Theo báo The Guardian, Washington và Canberra đã ra tuyên bố chung chỉ trích yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Dutton thông báo Washington và Canberra sẽ đẩy mạnh hợp tác quân sự bằng việc thúc đẩy tập trận chung, tăng cường triển khai luân phiên binh sĩ cũng như máy bay quân sự của Mỹ đến Úc và chung tay phát triển tên lửa.
Washington mỗi năm điều động luân phiên khoảng 2.500 binh sĩ đến Úc theo khuôn khổ của một thỏa thuận được ký vào năm 2011. Khẳng định việc gia tăng binh sĩ Mỹ tại Úc là "một cơ hội thú vị", Bộ trưởng Austin nhấn mạnh Washington và Canberra sẽ duy trì lập trường rõ ràng với những hành động mà họ cho là "hủy hoại trật tự quốc tế đã được thiết lập" của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (theo thứ tự di chuyển) trong buổi họp báo chung ở Washington - Mỹ hôm 16-9 Ảnh: REUTERS
Những tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Mỹ, Úc và Anh công bố hiệp ước an ninh 3 bên (AUKUS) nhằm đối phó Trung Quốc.
Với những động thái trên, theo giới quan sát, Úc dường như đã "theo phe Mỹ" sau hơn 20 năm cố gắng duy trì quan hệ tốt với cả Washington lẫn Bắc Kinh - đối tác thương mại lớn nhất của Canberra. Một vài chuyên gia nhận định với đài CNN rằng Úc đã chọc giận Trung Quốc một cách không cần thiết và tự đẩy mình vào thế phụ thuộc sự bảo vệ của Mỹ trong trường hợp căng thẳng leo thang ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 17-9 phản bác chỉ trích của Trung Quốc liên quan đến AUKUS, đồng thời gọi đây là một nỗ lực của Canberra nhằm củng cố hòa bình và ổn định cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Không chỉ khiến Trung Quốc nổi giận, quyết định thành lập AUKUS của Tổng thống Mỹ Joe Biden còn khiến Pháp và Liên minh châu Âu (EU) bất bình. Theo AP, hiệp ước này là động thái mới nhất trong chuỗi hành động khiến châu Âu bị sốc.
Bất chấp tuyên bố "nước Mỹ đã trở lại" và chủ nghĩa đa phương sẽ là đường lối cho chính sách đối ngoại của Washington, Tổng thống Biden lại khiến nhiều đồng minh có cảm giác "bị gạt sang bên lề" vì hướng tiếp cận đơn phương của ông trong hàng loạt vấn đề quan trọng, bao gồm Afghanistan.
Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian gọi AUKUS là "cú đâm sau lưng", EU thừa nhận họ không được tham vấn về hiệp ước an ninh này.
Một ngày sau khi AUKUS được công bố, người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell thông báo chiến lược mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với những mục tiêu tương tự AUKUS, nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực.
"Chúng tôi phải tự lực cánh sinh, như những quốc gia khác" - ông Borrell khẳng định, đồng thời nhấn mạnh EU "thấu hiểu nỗi thất vọng mà chính phủ Pháp nếm trải".
Bình luận (0)