Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 22-11 đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với sự chứng kiến của nhà lãnh đạo các nước đối tác, đối thoại của ASEAN, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc.
Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhận định sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12 tới là “thành tựu bước ngoặt” của ASEAN trong 48 năm thành lập và phát triển, đồng thời thúc giục các nước thành viên đẩy nhanh tiến trình hội nhập. Với 3 trụ cột chính gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, mục tiêu của Cộng đồng ASEAN là xây dựng hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.
Thông cáo báo chí về việc ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN nêu rõ ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỉ USD (tăng 80% trong 7 năm qua) và thị trường 625 triệu dân, không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỉ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
Trong khi đó, với chủ đề “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là một văn kiện về lộ trình phát triển của ASEAN trong thập kỷ tới, định hướng và tạo cơ sở, khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong giai đoạn 2016-2025. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là một tầm nhìn rộng lớn và chiến lược nhằm củng cố cộng đồng khu vực hướng tới hiện thực hóa một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội; một ASEAN thực sự dựa trên các nguyên tắc luật pháp, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Cụ thể, theo thông cáo báo chí, ASEAN sẽ xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh vào năm 2025 là một cộng đồng đoàn kết, dung nạp và tự cường. Người dân sẽ được sống trong một môi trường an toàn, an ninh và hài hòa, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN... Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng gắn kết và liên kết chặt chẽ, cạnh tranh, sáng tạo, năng động, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Còn Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân, mang lại lợi ích cho người dân và là một cộng đồng dung nạp, bền vững, tự cường, năng động.
Cơ hội và thách thức
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ThS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao, đánh giá Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi tham gia Cộng đồng ASEAN. Trong Cộng đồng Chính trị - An ninh, các nước sẽ chia sẻ với nhau những lợi ích, những quan điểm chung về các vấn đề an ninh ở khu vực dựa trên các chuẩn mực chung. Điều đó tạo thêm một kênh đa phương để Việt Nam bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực, như trong vấn đề biển Đông, bằng cách tiếp cận gần hơn với các luật lệ quốc tế, các chuẩn quốc tế.
Về kinh tế, cơ hội có thể đến từ việc dỡ bỏ thêm về thuế trong một số lĩnh vực và sự tiếp cận gần hơn thị trường như các nước khác trong ASEAN. Đặc biệt, về văn hóa - xã hội, lao động có tay nghề sẽ được di chuyển tự do hơn, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động, phúc lợi xã hội dần dần sẽ chuẩn hóa trong cả khu vực. Điều này thuận lợi hơn cho Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.
“Cộng đồng ASEAN cũng đặt ra không ít thách thức. Quá trình hội nhập đòi hỏi các cơ quan nhà nước và thể chế chính trị - xã hội khác phải mở cửa và đổi mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động mới gặp thách thức lớn nhất bởi sự cạnh tranh trên sân nhà sẽ rất cao” - ThS Trần Việt Thái nhìn nhận.
D.Ngọc
Bình luận (0)