Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang vì bất đồng liên quan đến một loạt vấn đề, tuyên bố mới đưa ra hôm 13-7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về biển Đông không khác gì đòn mạnh mới nhất khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này thêm lao dốc.
Ông Pompeo bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc trên biển Đông khi cho rằng thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với vùng biển này như là đế chế hàng hải của riêng họ.
Theo trang Business Insider, tuyên bố này mang lại sự rõ ràng về lập trường của Mỹ đối với biển Đông, cũng như mở đường cho những phản ứng mạnh mẽ hơn của Washington. Chính sách trước đó của Mỹ là kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp hàng hải giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng thông qua luật pháp quốc tế, cụ thể là tòa trọng tài do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Ông James Chin, chuyên gia tại Trường ĐH Tasmania (Úc), cho rằng lập trường trên của Mỹ không mới vì nước này vẫn luôn phản đối yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" của Bắc Kinh. Cái mới ở đây là chính quyền Tổng thống Donald Trump đã xem biển Đông là một trọng tâm mới trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Daniel Markey, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng tuyên bố trên có thể là nhằm phản ứng các hành động gây hấn của Trung Quốc ở khắp châu Á, trong đó có biển Đông. Theo ông, Mỹ muốn cho khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, thấy rằng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) không khiến họ bị phân tâm hoặc gặp khó.
Một chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet của Mỹ tham gia tập trận ở biển Đông hôm 7-7 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Khác với những ý kiến trên, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao về quốc phòng tại tổ chức RAND Corporation (Mỹ), nhận định tuyên bố của ông Pompeo đánh dấu bước ngoặt so với các chính sách trước đây của Mỹ.
"Lập trường truyền thống là Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với 90% diện tích biển Đông nhưng Washington không chính thức đưa ra lập trường với từng tuyên bố chủ quyền cụ thể" - ông Grossman nói với tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản).
Viết trên trang Asia Times, ông Richard Javad Heydarian, một học giả người Philippines, cho rằng Mỹ đã đưa ra tuyên bố chưa từng có nhằm phản đối các động thái hàng hải của Trung Quốc, từ đó đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc đối đầu trên biển giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Không những thế, theo ông Heydarian, bước đi trên còn báo trước khả năng Lầu Năm Góc can thiệp mạnh mẽ hơn nếu Bắc Kinh tiếp tục có hành vi sai trái ở biển Đông.
Thông điệp đầu tiên về một phản ứng mạnh mẽ như thế được đưa ra ngay tức thì. Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) hôm 14-7, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, khẳng định Washington sẽ không tiếp tục nói "chúng tôi trung lập" về vấn đề biển Đông. Ông Stilwell cho biết Washington để ngỏ khả năng trừng phạt các quan chức, công ty Trung Quốc dính líu đến các hành vi phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông.
Bên cạnh đó, theo ông Stilwell, Mỹ còn đang gây sức ép để Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế bằng cách tiến hành các cuộc tuần tra, chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, hàng không của tàu chiến, nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay. Các nước có cùng chí hướng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu còn bắt tay để bảo đảm Bắc Kinh không nói một đường, làm một nẻo. Hải quân Mỹ cùng một số nước đồng minh, như Nhật, Pháp, Anh, Úc…thường xuyên tiến hành chiến dịch bảo vệ tự do đi lại ở biển Đông thời gian qua.
Khó xảy ra xung đột quân sự?
Theo đài CNBC, nhiều nhà phân tích cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ còn gia tăng trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới) đang đến gần. "Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về chính sách đối ngoại đã leo thang đáng kể từ đầu năm đến giờ và sẽ không bên nào chịu có động thái hạ nhiệt" - Công ty tham vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group (Mỹ) nhận định, đồng thời bày tỏ lo ngại phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc có thể làm gia tăng rủi ro xảy ra đụng độ ngoài ý muốn, khiến tình hình trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Collin Koh, nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng Bắc Kinh có thể tăng cường các biện pháp nhằm thách thức hoạt động quân sự của Mỹ ở biển Đông. Theo ông Koh, điều này đe dọa làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố, từ đó khiến tình hình khu vực thêm nóng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác, như hai ông Markey và Grossman, lại cho rằng nguy cơ Mỹ và Trung Quốc đẩy căng thẳng lên mức xung đột quân sự ở biển Đông là không cao.
Bình luận (0)