Đồng USD đã giữ vai trò là đồng tiền dự trữ lớn của thế giới suốt nhiều thập kỷ qua nhưng vị thế này có thể bị đe dọa khi "những quốc gia hùng mạnh" đang tìm cách làm suy yếu tầm quan trọng của đồng bạc xanh.
Bà Anne Korin, đồng Giám đốc phụ trách Nghiên cứu năng lượng và an ninh thuộc Viện Phân tích an ninh toàn cầu, hôm 30-10 cảnh báo những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) có động lực mạnh mẽ để làm giảm vị thế đồng USD. Bà Korin nói với đài CNBC rằng đồng USD luôn được xem là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất trên thế giới và đồng bạc xanh này thường tăng giá trong những giai đoạn kinh tế hoặc chính trị bất ổn.
Tuy nhiên, yếu tố khiến các quốc gia không mấy mặn mà với đồng USD là nguy cơ trở thành đối tượng chịu sự tác động của Mỹ khi họ giao dịch bằng đồng USD. Theo bà Anne Korin, khi đồng USD được sử dụng hoặc giao dịch thông qua một ngân hàng Mỹ, các thực thể có thể phải chịu quyền tài phán của Mỹ, ngay cả khi họ chẳng liên quan gì đến Mỹ. Lập luận cho điều này, bà Korin đề cập việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên chính quyền Tehran. Động thái này của Mỹ đẩy các công ty đa quốc gia của châu Âu vào tình thế đối mặt nguy cơ bị Washington trừng phạt nếu họ tiếp tục làm ăn với Iran.
Đồng USD vẫn được dùng nhiều nhất trong thanh toán quốc tế Ảnh: EPA
Bà Korin cho biết: "Châu Âu muốn làm ăn với Iran. Họ không muốn trở thành đối tượng của luật pháp Mỹ chỉ vì hợp tác với Iran. Không ai muốn bị bắt ở sân bay vì làm ăn với những quốc gia xích mích với Mỹ". Do đó, các nền kinh tế lớn nói trên có động lực rất mạnh mẽ để tránh sử dụng đồng bạc xanh.
Trong kịch bản đồng USD suy giảm, các đồng tiền khác có thể thay thế vai trò của đồng USD bấy lâu nay, đặc biệt là đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng nỗ lực quốc tế hóa đồng nội tệ, bao gồm đề xuất giao dịch trong các hợp đồng dầu thô tương lai bằng đồng NDT và xuất hiện thông tin cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị dùng NDT thay cho đồng USD để thanh toán trong hoạt động nhập khẩu dầu thô.
Bà Korin cảnh báo: "90% giao dịch dầu thô hiện nay được thực hiện bằng đồng USD. Nếu có bất kỳ sự suy giảm nào đó về vai trò thống lĩnh của đồng USD trong giao dịch dầu thì đó là một cú hích theo hướng phi USD hóa". Tuy nhiên, theo bà Korin, giao dịch dầu bằng NDT có thể là một điều kiện cần để giảm sử dụng đồng USD trên trường quốc tế nhưng không phải là điều kiện đủ để hiện thực hóa điều đó.
Đồng NDT đang là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 5 trong các khoản thanh toán trên toàn cầu tính theo giá trị, theo Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) ở Bỉ. Hồi tháng 9, 1,95% trong tất cả các khoản thanh toán toàn cầu thông qua hệ thống SWIFT được thực hiện bằng NDT, trong khi 40,51% giao dịch tính bằng đồng USD. Đáng chú ý, các đồng euro, bảng Anh và đồng yen của Nhật Bản lần lượt được giao dịch chiếm 32,77%, 6,97% và 3,72%.
Dữ liệu này cho thấy không chỉ đồng NDT phải nỗ lực nhiều như thế nào để bắt kịp đồng euro chứ chưa nói đến đồng bạc xanh, mà còn cho thấy vị thế thống trị của đồng USD trong chuỗi thanh toán. Ưu thế của đồng USD cùng với Đạo luật Quyền lực Kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) mang lại cho Mỹ lợi thế mạnh mẽ trên trường quốc tế, một thực tế mà Trung Quốc không thể phớt lờ. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), Bắc Kinh cần nỗ lực gấp đôi và nhanh chóng tăng cường sự hấp dẫn của đồng NDT đối với quốc tế. n
Bình luận (0)