Cụ thể, giá trị đồng rúp của Nga giảm 2 % so với đồng USD và Euro. Kể từ đầu năm 2014, đồng rúp Nga mất hơn ¼ giá trị liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây xung quanh tình hình Ukraine.
Do nền kinh tế đang gặp nhiều áp lực nên có thể chính quyền Moscow sẽ gấp rút hành động để hỗ trợ đồng rúp. Trước đó, ngày 5-11, Ngân hàng Trung ương Nga quyết định hạn chế can thiệp vào thị trường tài chính, gây nên sự biến động mạnh mẽ về lĩnh vực tiền tệ.
Các nhà kinh tế Nga cho biết muốn vực dậy đồng rúp, Ngân hàng Trung ương phải đứng ra thu mua lại đồng rúp – đang bị bán tháo trên thị trường tài chính, đồng thời gia tăng lãi suất cho vay vượt mức 9,5 % như hiện tại.
Ngoài lệnh trừng phạt của phương Tây làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tụt giá đồng rúp, giá dầu giảm mạnh cũng là một nguyên nhân chính khi xuất khẩu dầu thô vốn tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn đối với Nga.
Nhà kinh tế học Dmitry Polevoy làm việc tại ngân hàng ING, Moscow, nhận định: “Có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tiền tệ tự phát. Những lúc như vậy, Ngân hàng Trung ương nên can thiệp vì nó đe dọa sự ổn định tài chính và để lại hậu quả về sau”.
Các nhà kinh tế đang chờ đợi một phản ứng từ Moscow. Công ty nghiên cứu Capital Economics, trụ sở tại Anh, cho biết họ dự đoán biện pháp can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ diễn ra trước các nhà hoạch định chính sách của Điện Kremlin.
Công ty này cũng tính toán ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay lên mức 12 % để hấp dẫn các nhà đầu tư, vốn đang nắm giữ một lượng lớn tiền tệ.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Washington cho biết Mỹ sẽ tiếp tục điều tra Công ty Gunvor của tài phiệt Nga Gennady Timchenko về hành vi rửa tiền trong hệ thống tài chính Mỹ nhằm buộc Moscow thay đổi lập trường về Ukraine.
Ngoài ra, giới doanh nhân nằm trong vòng tròn thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ bị các công tố viên Mỹ đưa vào tầm ngắm.
Bình luận (0)