Việc cố tình bịa ra tin tức để đánh lừa hoặc giải trí không có gì lạ lẫm. Tuy nhiên, sự phổ biến của truyền thông xã hội góp phần khiến người đọc gặp khó trong việc phân biệt thật - giả.
Kiếm tiền là chính
Một khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy người trưởng thành ở Mỹ tiếp thu tin tức từ các phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn thế hệ trước. Điều này đồng nghĩa ngày càng nhiều người có thể đọc những thông tin không đúng sự thật hoặc bịa đặt hoàn toàn. Nguy cơ này càng gia tăng bởi sự tồn tại của hàng trăm website chuyên đăng tin tức giả. Những trang này cố tình bắt chước các tờ báo “xịn” hoặc trang web tuyên truyền của chính phủ. Một số trang khác dù chỉ đăng thông tin trào phúng nhưng có lúc đi quá đà và biến chúng thành thông tin giả.
Nổi bật có thể kể đến trang National Report, tự xưng là “nguồn tin tức độc lập số 1 của Mỹ” và được sáng lập bởi một người có tên Allen Montgomery (không phải tên thật). Trả lời phỏng vấn đài BBC, Allen Montgomery nói cảm thấy “thú vị” khi lừa được nhiều người đọc và chia sẻ những thông tin sai sự thật đòi hỏi cả một nghệ thuật. “Hiển nhiên, đóng vai trò quan trọng là tiêu đề bài viết. Ngoài ra, cần tạo ra một trang tin tức giả trông càng thật càng tốt. Chưa hết, phải bảo đảm một hoặc hai đoạn đầu bài viết như thật, sau đó chúng ta có thể kết thúc câu chuyện theo ý mình và khiến nó trở nên lố bịch” - Montgomery khoe khoang.
Nguyên nhân thúc đẩy những trang web như National Report ra đời chính là nguồn thu từ những quảng cáo hiển thị trên đó. Do đó, các chủ trang web không ngần ngại chuyển từ những câu chuyện châm biếm hài hước sang nội dung giả nhưng thu hút nhiều tò mò hơn vì chúng có thể được chia sẻ rộng rãi. “Chúng tôi có những câu chuyện mang về đến 10.000 USD” - Montgomery hé lộ.
Ít kiểm chứng
Bà Brooke Binkowski, một chuyên gia tại trang Snopes chuyên kiểm tra tính xác thực của thông tin trên mạng, cho rằng những thông tin sai sự thật đơn lẻ có thể không gây nguy hiểm trước mắt nhưng có nguy cơ gây ra nhiều tác hại về lâu dài khi gộp chung lại. Chưa hết, ông Craig Silverman, làm việc cho trang Buzzfeed News, đặc biệt lo ngại về chuyện thông tin giả có thể dễ dàng được giới truyền thông chính thống đăng tải lại như tin tức đáng tin cậy.
“Một trang tin tức giả nào đó có thể xuất bản một câu chuyện lừa bịp, sau đó nó gây chú ý trên mạng xã hội và được một trang web nghiêm túc khác viết lại như thể đó là câu chuyện có thật mà không dẫn nguồn trang tin giả mạo ban đầu hoặc kiểm chứng” - ông Silverman lý giải.
Ông Anthony Adornato, trợ lý giáo sư ngành báo chí tại Cao đẳng Ithaca (Mỹ), nhận định phóng viên đang đối mặt nhiều sức ép trong việc viết về những thông tin đang nóng trên mạng xã hội nhưng lại không được hướng dẫn đầy đủ về vấn đề kiểm chứng chúng. “Các trang tin tức dựa vào nội dung được chia sẻ nhưng không phải ai cũng có chính sách về việc phải làm gì để kiểm chứng, xác thực thông tin” - ông Adornato lo ngại.
Một nghiên cứu mới đây của chuyên gia này cho thấy chính sách biên tập của 40% kênh truyền hình địa phương Mỹ không có bất kỳ hướng dẫn nào về cách thức kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội. Vì thế, không có gì khó hiểu khi ban lãnh đạo các kênh này thừa nhận ít nhất 1/3 bản tin của họ lấy từ mạng xã hội để rồi sau đó phát hiện chúng không chính xác.
Kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn
Ông Silverman cho rằng trong bối cảnh các trang tin tức giả mạo vẫn tồn tại nhan nhản, điều cần làm lúc này là bảo đảm người đọc không bị lừa. Các nhà báo cần được đào tạo để có thể nhanh chóng nhận biết đâu là thông tin giả. Ngoài ra, cần hướng dẫn người đọc cách tiếp nhận thông tin trên mạng - họ phải học cách tìm hiểu và kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Bình luận (0)