Hai “gã khổng lồ” trên thế giới mạng là Facebook và Google tuần qua đau đầu với hàng loạt chỉ trích dữ dội vì để phát tán các tin vịt tác động đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cấm cửa trang tin giả
Trang Buzzfeed News đưa tin một “đội đặc nhiệm” của mạng xã hội Facebook đang tập trung xử lý vấn đề. Hôm 14-11, mạng xã hội tuyên bố không hiển thị quảng cáo trên các trang web lan truyền tin tức giả mạo. Cùng ngày, Google cũng cấm cửa các trang web lan truyền tin tức giả khỏi dịch vụ quảng cáo trực tuyến.
Những quyết định này chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các “đại gia” công nghệ lớn nhất thế giới không thể làm ngơ trước sự phẫn nộ ngày càng gia tăng đối với sức mạnh của mình trong câu chuyện lan truyền thông tin bầu cử Mỹ. Facebook trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận khi bị cáo buộc là công cụ tác động tới các cử tri theo hướng có lợi cho Tổng thống đắc cử Donald Trump thông qua những thông tin lệch lạc. Một trong những thông tin vô căn cứ như vậy phải kể tới là tuyên bố Giáo hoàng Francis ủng hộ ông Trump.
Trong khi đó, công cụ tìm kiếm của Google để cho trang 70News “chễm chệ” thống trị trang đầu của truy vấn tìm kiếm về kết quả kiểm phiếu cuối cùng của cuộc bầu cử vừa qua. Điều đáng nói là 70News đưa tin sai rằng ông Trump giành nhiều phiếu phổ thông hơn đối thủ Hillary Clinton. Phía Google khẳng định thứ hạng thông tin được định đoạt bằng những thuật toán phần mềm sử dụng hàng trăm nhân tố. “Mục tiêu của cỗ máy tìm kiếm là cung cấp những kết quả liên quan và hữu ích nhất cho người sử dụng. Nhưng trong trường hợp này, chúng tôi rõ ràng đã không làm đúng, song vẫn tiếp tục làm việc để cải thiện các thuật toán” - người phát ngôn của Google Andrea Faville cho biết.
Thế giới ảo “quyền lực”
Theo tờ The New York Times, quyết định “cấm cửa” thông tin sai của Facebook hẳn là sự xuống nước đáng kể bởi ông chủ mạng xã hội lớn nhất hành tinh này Mark Zuckerberg trước đó khăng khăng bác bỏ những chỉ trích cho rằng Facebook có tác động tới lá phiếu cử tri Mỹ. Trong một đăng tải hồi cuối tuần trước, vị tỉ phú 32 tuổi khẳng định 99% tin tức trên Facebook là chính xác và chỉ chưa đầy 1% thông tin giả mạo, do đó khó lòng làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống.
Tuy vậy, ngay cả các nhân viên, quan chức của Facebook cũng chất vấn về trách nhiệm, vai trò của mạng xã hội này trong chuyện ảnh hưởng tới cử tri, theo tờ The New York Times. Chính Facebook lâu nay vẫn khoe rằng mình đã nhen nhóm các phong trào dân chủ ở nhiều nơi như Trung Đông và nói với các đối tác quảng cáo rằng mình có thể tác động mạnh mẽ đến người dùng. Mạng xã hội này tiếp cận khoảng 1,8 tỉ người trên toàn cầu và cũng là một trong những cỗ máy lan truyền tin tức trực tuyến lớn nhất thế giới. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy gần một nửa người trưởng thành ở Mỹ lên Facebook để đọc tin tức.
Vấn đề thông tin giả không phải là chuyện xa lạ trên thế giới ảo, song câu chuyện trở nên ồn ào hơn khi chúng lan truyền chóng mặt trên mạng và dính tới cuộc bầu cử chấn động vừa qua ở Mỹ. Khi phân tích các bài viết về bầu cử trong 3 tháng cuối cùng, trang Buzzfeed News kết luận các trang tin giả tạo ra nhiều tương tác trên Facebook hơn cả 19 hãng tin lớn gộp lại. Trong số 20 tin giả chia sẻ nhiều trên Facebook, phần lớn là các nội dung sai lệch có lợi cho ông Trump. Thậm chí, ông trùm của cái gọi là đế chế tin giả trên Facebook Paul Horner tuyên bố “ông Trump thắng cử là nhờ tôi” - tờ The Washington Post cho biết hôm 17-11.
Bình luận (0)