Báo chí Campuchia cho biết những người dân này nằm trong diện 182 hộ gia đình bị giải tỏa để mở rộng đường băng duy nhất của sân bay Phnom Penh. Trước đó, đại diện các hộ gia đình này đã biểu tình trước cổng Đại sứ quán Mỹ và gửi đơn đến Quốc hội Campuchia để yêu cầu giúp đỡ.
“Chúng tôi nhận được lệnh giải tỏa từ tháng 7 vừa qua. Chúng tôi bị ép phải rời khỏi đất đai của mình mà không nhận được bồi thường thỏa đáng. Chúng tôi không định làm điều gì có hại, chỉ là muốn ông Obama giúp đỡ thôi” – một dân làng 23 tuổi tên Sim Sokunthea nói.
Ảnh ông Obama và những dòng chữ SOS trên nóc nhà gần sân bay Phnom Penh. Ảnh: Reuters
Từ sáng 15-11, hàng chục cảnh sát đã có mặt tại làng, yêu cầu người dân gỡ bỏ hình ảnh trên mái nhà và bắt giữ những ai chịu trách nhiệm chính. Phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát quốc gia Campuchia, ông Kirt Chantharith, xác nhận 8 người bị bắt, gồm 6 phụ nữ và 2 người đàn ông, nhưng không cho biết những người này phải đối mặt với tội gì.
Tranh chấp đất đai là một vấn đề chính trị và xã hội nghiêm trọng tại Campuchia. Đã nhiều lần xảy ra đổ máu và thương vong khi cơ quan chức năng cưỡng chế giải tỏa.
Dự kiến ông Obama sẽ đến Campuchia trong hai ngày 19 và 20-11 để tham dự hội nghị cấp cao Đông Á thường niên, trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến đất nước này. Nhà Trắng cho biết có thể ông sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, liên quan tới tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy vậy, cả ông Ôn lẫn ông Noda đều có thể sớm rời nhiệm sở. Trung Quốc mới ra mắt ban lãnh đạo đảng mới còn ông Noda sẽ kêu gọi bầu cử sớm vào 16-12 và đối mặt với thách thức mất chức.
Bình luận (0)