Tháng 6-2013, ông Bandith bị tòa phúc thẩm Phnom Penh kết án 18 tháng tù giam về tội bắn bị thương 3 nữ công nhân Bun Chenda, Nuth Sakhorn và Keo Near trong một cuộc biểu tình hồi tháng 2-2012 trước cửa nhà máy của Công ty Puma (Đức) tại tỉnh Svay Rieng. Sau vụ lùm xùm khoảng 3 tháng, ông Bandith bị Thủ tướng Hun Sen cách chức.
Các nhóm hoạt động xã hội chỉ trích mức án quá nhẹ - với tội danh không cố ý gây thương tích - và dư luận càng tức giận hơn khi ông Bandith biến mất không lâu sau đó.
Mãi đến hôm 3-8, Thủ tướng Hun Sen lần đầu tiên thúc giục việc bắt giữ ông Bandith. Chiều 8-8, ông này tới đồn cảnh sát đầu thú. Cảnh sát trưởng Choun Sovann cho biết ông Bandith đã được áp giải đến tòa án tỉnh Svay Rieng để làm thủ tục pháp lý và sắp chịu hình phạt.
Cô Keo, một trong 3 công nhân bị ông Bandith bắn, tỏ ra vui mừng nói: “Tôi hy vọng tòa án và cảnh sát sẽ bỏ tù ông ta và bắt ông ta trả tiền bồi thường để chúng tôi trang trải viện phí”.
Các cuộc biểu tình về tiền lương và điều kiện làm việc thường xảy ra tại các công ty may mặc ở Campuchia. Chúng thường bị đàn áp và biến thành bạo lực. Mỗi năm, ngành công nghiệp dệt may mang về cho Campuchia hơn 5 tỉ USD và tạo công ăn việc làm cho khoảng 600.000 người.
Các nhà hoạt động hoan nghênh vụ bắt giữ song họ không hài lòng trước việc Bandith chỉ sa lưới sau khi Thủ tướng Hun Sen lên tiếng. Vụ việc về ông Bandith "nóng" trở lại sau khi tài phiệt Son Bun bị bắt vì đánh nữ diễn viên Ek Socheata hồi tháng 7.
Bình luận (0)