Theo ông Chantharith, lực lượng bảo vệ cho Chủ tịch Tập Cận Bình lớn hơn nhiều so với thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các nhà lãnh đạo thế giới khác tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở thủ đô Phnom Penh năm 2012.
“Chúng tôi đã lập nhiều kế hoạch khác nhau vì thời gian này có cả sự tăng cường của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia” - ông Chantharith nói với tờ Cambodia Daily. Trong số 7.000 nhân viên quân sự và an ninh được huy động, có khoảng 6.000 người đã từng góp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 4 năm trước.
Thành viên lực lượng cảnh sát, cảnh sát quân sự, đơn vị vệ sĩ ưu tú của Thủ tướng Hun Sen và binh sĩ sẽ tham gia đợt triển khai an ninh lớn chưa từng có này.
Hồi năm 2009, ông Tập thăm Campuchia trên cương vị phó Chủ tịch Trung Quốc, sau khi Campuchia trục xuất 20 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về đại lục, gây bất bình cho cộng đồng quốc tế.
Trong chuyến thăm đó, ông Tập cam kết đầu tư 1 tỉ USD vào Campuchia, đồng thời tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn bao gồm cảng trên sông Mekong ở tỉnh Kandal (hoàn thành năm 2013) có tổng vốn đầu tư 400 triệu USD.
Tướng Chantharith cho biết chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thời điểm cụ thể. Đầu tuần này, cảnh sát trưởng quốc gia Campuchia Neth Savoeun viết trên mạng xã hội Facebook rằng chuyến thăm của ông Tập sẽ diễn ra vào tháng 10.
Tính từ đầu năm 2016, Bắc Kinh đã viện trợ ít nhất 600 triệu USD cho Phnom Penh. Đổi lại, các nhà phân tích nói rằng Campuchia ngày càng sẵn sàng ủng hộ Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế. Nhiều lần, Campuchia bác bỏ tuyên bố chung của ASEAN về yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Ngoài ra, chính quyền Phnom Penh cũng 2 lần trục xuất nghi phạm Đài Loan về Trung Quốc theo yêu cầu của Bắc Kinh, bất chấp phản ứng từ Đài Bắc.
Bình luận (0)