Trong ngày đầu thực thi lệnh phong tỏa (15-4), Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 344 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng ca nhiễm lên hơn 5.218 trong khi số ca tử vong là 36. Trong số các ca nhiễm mới, có 5 ca nhập khẩu, còn lại đều liên quan đến sự kiện lây nhiễm trong cộng đồng hôm 20-2.
Trước đó, chính phủ Campuchia ngày 14-4 đã ra quyết định phong tỏa thủ đô Phnom Penh và TP Takhmao (tỉnh Kandal) trong 2 tuần, kéo dài đến ngày 28-4. Người dân bị cấm ra ngoài trừ việc mua thực phẩm hoặc điều trị y tế. Những hoạt động kinh doanh thiết yếu vẫn được phép mở cửa.
Trong tuyên bố hôm 14-4, Thủ tướng Hun Sen cảnh báo Campuchia đang bên "bờ vực sinh tử" và kêu gọi người dân nỗ lực cùng nhau để tránh thảm họa này. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh mục đích của lệnh phong tỏa là để chống lại sự lây lan của dịch Covid-19. Nhằm trấn an người dân, ông Hun Sen khẳng định sẽ không thiếu thực phẩm trong thời gian phong tỏa.
Người dân Campuchia xếp hàng chờ tại siêu thị trước thông tin phong tỏa thủ đô Phnom Penh hôm 14-4 Ảnh: REUTERS
Tình hình tại Thái Lan không khá hơn trước làn sóng dịch Covid-19 thứ 3. Quốc gia Đông Nam Á này ngày 15-4 ghi nhận 1.543 ca nhiễm mới - mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng ca nhiễm tại Thái Lan lên 37.453, trong đó có 97 người tử vong.
Ông Natthapon Nakpanick, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan, cho biết đề xuất phong tỏa một phần đất nước đã được thảo luận và việc thực thi phụ thuộc vào đánh giá từ các cơ quan y tế. Người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại và làm việc tại nhà trong 2 tuần.
Theo Reuters, các nhà bán lẻ và trung tâm mua sắm ở Thái Lan được yêu cầu đóng cửa sớm lúc 21 giờ. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận ngày 15-4, có 409 ca ở thủ đô Bangkok, tâm điểm của đợt bùng phát lần này - xảy ra trong dịp Tết Songkran, diễn ra từ ngày 13 tới 15-4.
Tại Ấn Độ, các y - bác sĩ cảnh báo đợt gia tăng các ca nhiễm mới lần này có thể gây chết chóc hơn hồi năm ngoái. Theo Bộ Y tế Ấn Độ ngày 15-4, có hơn 200.700 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng kỷ lục thứ 7 trong 8 ngày qua trong khi có thêm 1.038 người thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 173.100.
Thủ tướng Hun Sen cho biết việc hơn 300 người bị chẩn đoán mắc Covid-19 hôm 14-4 đã dẫn đến quyết định phong tỏa thủ đô
Với tổng số 14,1 triệu ca nhiễm, Ấn Độ hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ - nơi ghi nhận hơn 32 triệu ca. Tuy nhiên, theo AP, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do hạn chế trong xét nghiệm đối với gần 1,4 tỉ dân. Tại thủ đô New Delhi, lệnh giới nghiêm được ban bố vào cuối tuần, yêu cầu các trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục, nhà hàng và chợ đóng cửa.
Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, Hàn Quốc ngày 15-4 ghi nhận thêm 698 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 112.100, với 1.788 ca tử vong. Từ tuần trước, giới chức Hàn Quốc tuyên bố duy trì các quy tắc giãn cách xã hội hiện tại đến ngày 2-5, đồng thời cấm các hoạt động giải trí ở thủ đô Seoul và TP Busan. Kể từ khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai vào ngày 26-2, đến nay đã có hơn 1,2 triệu người, tương đương 2,47% dân số Hàn Quốc, được tiêm vắc-xin, trong đó có 60.569 người tiêm đủ liều.
Trong khi đó, nhằm kiềm chế các ca mắc mới, chính phủ Argentina sẽ siết chặt các hạn chế trong và quanh thủ đô Buenos Aires đến hết tháng 4, bao gồm đóng cửa trường học và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20 giờ. Argentina hiện ghi nhận hơn 2,6 triệu ca nhiễm và hơn 58.500 ca tử vong.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn ngày 15-4 thúc giục 16 bang nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn để ngăn làn sóng dịch Covid-19 thứ 3. Đức vừa ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày là 29.426, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 3 triệu và số ca tử vong là hơn 79.800.
Câu hỏi khó cho Olympic Tokyo
Phát biểu của ông Toshihiro Nikai, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản, ngày 15-4 về việc hủy Olympic mùa hè Tokyo do tình hình Covid-19 đã làm dậy sóng dư luận. "Nếu nhắm không thể tổ chức, chúng ta phải dừng lại một cách dứt khoát" - ông Nikai nói với đài TBS.
Cố vấn y tế hàng đầu Nhật Bản, ông Shigeru Omi, cho biết nước này đã bước vào làn sóng Covid-19 thứ tư, với số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng. Riêng ở Tokyo, theo Reuters, số ca nhiễm mới trong ngày 15-4 là 729, cao nhất từ đầu tháng 2 tới nay. Tuy tình trạng khẩn cấp trên cả nước đã được dỡ bỏ song nhiều khu vực của 6 tỉnh Tokyo, Osaka, Kyoto, Hyogo, Miyagi và Okinawa đang trong tình trạng "bán khẩn cấp", tức các quán bar và nhà hàng phải rút ngắn thời gian mở cửa.
Sau phát biểu của ông Nikai, "hủy Olympic" trở thành chủ đề chính trên Twitter ở Nhật Bản với hơn 45.000 "tweet" bình luận tính tới trưa 15-4. Trong khi đó, Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC) và chính phủ Nhật đều chưa đưa ra bình luận. Dù vậy, các kế hoạch chuẩn bị cùng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế khác vẫn được xúc tiến. Theo kế hoạch, Olympic Tokyo khai mạc ngày 23-7 nhưng không có sự tham gia của khán giả quốc tế, kèm theo lễ rước đuốc quy mô nhỏ hơn.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp các đại sứ nước ngoài ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam đoan sẽ tổ chức Olympic mùa đông tại Bắc Kinh vào tháng 2-2022 một cách thành công. "Chúng tôi tự tin sẽ vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch và tổ chức một kỳ Olympic đơn giản, an toàn và tuyệt vời" - Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình tối 14-4.
Hải Ngọc
Bình luận (0)