Vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga ở Syria là một "trang mới trong lịch sử khủng bố quốc tế, chứng tỏ chúng có được những khả năng mới về công nghệ để ra tay ở bất kỳ quốc gia nào".
Sử dụng một lần
Chuyên gia quân sự nổi tiếng Igor Korotchenko nhận định như trên ngày 9-1; cùng thời điểm, một số nguồn tin quân sự Nga quả quyết với báo Kommersant rằng việc giải mã dữ liệu những UAV bị đánh chặn đã phần nào "chứng minh" sự liên quan của phiến quân thuộc tổ chức Ahrar al-Sham trong vụ tấn công vào căn cứ không quân Hmeymim gần TP Latakia và căn cứ hải quân ở TP Tartus vào rạng sáng 6-1.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 8-1 thông báo 10 UAV được sử dụng để tấn công căn cứ Hmeymim và 3 UAV khác nhắm vào căn cứ hải quân Tartus. Toàn bộ chúng bị vô hiệu hóa trước khi gây ra thiệt hại hoặc thương vong nào.
Vụ tấn công trên xảy ra không lâu sau khi tờ Kommersant tiết lộ có đến 7 máy bay bị phá hủy và 2 binh sĩ thiệt mạng trong vụ pháo kích vào căn cứ Hmeymin hôm 31-12-2017. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận vụ tấn công đã xảy ra và cho biết có 2 binh sĩ thiệt mạng song phủ nhận thông tin 7 máy bay Nga bị phá hủy.
Nguồn tin của Kommersant tiết lộ các chuyên gia quân sự Nga đang tiến hành phân tích chi tiết cấu trúc UAV của phiến quân và các thiết bị nổ tự tạo trang bị trên đó. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy những UAV này có "phần chân đế bằng gỗ, cánh bằng ván ép và động cơ làm thủ công", được gắn kết bởi băng dính và nhựa dẻo. "Đối với bọn khủng bố, đây là sản phẩm sử dụng một lần" - nguồn tin nhận định, đồng thời lưu ý những kẻ tấn công có thể phóng UAV này từ khoảng cách trên 50 km, sử dụng công nghệ dẫn đường hiện đại dựa trên tín hiệu GPS.
Chưa hết, khi kiểm tra những UAV được điều khiển từ xa này, các chuyên gia quân sự Nga ghi nhận chúng sử dụng loại công nghệ chỉ có thể được cung cấp bởi một số nước nhất định. Bộ Quốc phòng Nga nói thêm UAV "mang theo thiết bị nổ sử dụng kíp nổ có nguồn gốc nước ngoài".
Tình báo phương Tây liên quan?
Các cơ quan an ninh Nga vẫn đang điều tra xem ai đã cung cấp UAV và thiết bị nổ cho phiến quân. Theo hãng tin RIA Novosti ngày 8-1, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện Nga), ông Yury Shvytkin, cho rằng nỗ lực tấn công các mục tiêu quân sự Nga ở Syria bằng UAV được thực hiện với sự thông đồng của cơ quan tình báo các nước phương Tây. Dù không nêu đích danh nhưng Nga từng nhiều lần cáo buộc Mỹ hỗ trợ các nhóm phiến quân Hồi giáo chiến đấu chống lại chính phủ Syria.
Sau các vụ tấn công trên, các lực lượng Syria đã tăng cường an ninh tại khu vực quanh căn cứ Hmeymim. Trong khi đó, đại tá Elena Sevastyanova, thành viên ban biên tập tạp chí Người lính Nga của Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng căn cứ Hmeymim cần bổ sung trang thiết bị kỹ thuật, cần xây dựng những nhà chứa kín bằng bê-tông cốt thép cho máy bay và các thiết bị bay khác.
Theo bà, loại nhà chứa máy bay như vậy sẽ bảo vệ máy bay, phi công và đội ngũ kỹ thuật một cách hiệu quả nhất trước sự công phá của cuộc tấn công bằng bom hoặc tên lửa, đạn pháo và súng cối.
Vũ khí lợi hại
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Adrian Rankin Galloway hôm 8-1 bày tỏ nỗi lo công nghệ máy bay không người lái (UAV) chiến đấu sử dụng trong vụ tấn công 2 cơ sở quân sự của Nga tại Syria được bán rộng rãi trên thị trường. Ông Galloway cho hay: "Chúng tôi từng chứng kiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng loại UAV thương mại này. Những thiết bị, công nghệ đó có thể mua được dễ dàng". Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng việc sở hữu công nghệ này cho phép các phần tử cực đoan tiến hành những vụ tấn công tương tự ở bất kỳ nước nào trên thế giới.
Đáng lo hơn, ông Phil Giraldi, cựu quan chức Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), cho rằng bọn khủng bố ở Trung Đông giờ đây có thể tự chế tạo UAV từ những thiết bị Mỹ cung cấp cho quân đội Iraq mà bọn chúng thu giữ được. Ngoài ra, các tay súng IS, mạng lưới khủng bố al-Qaeda, Mặt trận Nusra và các nhóm khủng bố khác còn cải thiện khả năng mua đủ linh kiện cần thiết để tự lắp ráp UAV, như phong trào Hezbollah ở Lebanon từng làm. "Các công nghệ được biết đến nhiều, trong lúc các thành phần cần thiết đều có sẵn trên thị trường chợ đen và thậm chí là thị trường vũ khí hợp pháp" - ông Giraldi nói với đài Sputnik.
Chuyên gia này cũng đồng ý với đánh giá của quân đội Nga, theo đó, việc sử dụng UAV đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho lực lượng an ninh trong lúc tiếp tay cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, khủng bố gia tăng khả năng sát thương. Tính hiệu quả và linh hoạt của UAV khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với các nhóm khủng bố.
XUÂN MAI
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!