Những năm gần đây, số người vô gia cư ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã tăng đáng kể và hiện đang ở mức khoảng 3.300 người. Một trong số này là ông Kim, 58 tuổi, người thường xuyên ngủ ở đường ngầm dành cho người đi bộ ở trung tâm Seoul.
Xem trọng sự riêng tư
Đường ngầm có hệ thống lò sưởi nhưng gió lạnh cộng với nền đất rét buốt khiến ông rất khó ngủ. Tuy vậy, ông Kim vẫn thích ở đây hơn dù ở gần đó có một số nơi trú ngụ được trang bị lò sưởi và cung cấp thức ăn cho người vô gia cư. Ông Kim lý giải với hãng tin Yonhap: “Những nơi trú ngụ đó giống như doanh trại quân đội và không hề có sự riêng tư gì cả. Vào ban đêm, mọi người trò chuyện rất ồn và thậm chí là đánh nhau nữa”. Vì thế, dù điều kiện sống ở đường ngầm có khắc nghiệt hơn nhưng ông Kim lại cảm thấy thoải mái hơn vì có không gian riêng tư và có thể làm những gì mình thích.
Một căn phòng dành cho người vô gia cư của dự án “Hope Room”. Ảnh: YONHAP
Không nhiều người nghĩ rằng người vô gia cư lại xem trọng sự riêng tư bởi họ luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ, không được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế và thường trải qua hầu hết thời gian trong ngày ở nơi công cộng. Tuy nhiên, những nhà sáng lập dự án “Hope Room” (tạm dịch là “căn phòng hy vọng”) được chính phủ tài trợ nhấn mạnh rằng sự riêng tư đóng vai trò quan trọng đối với những người đang sống bên lề xã hội. Theo họ, việc bảo đảm sự riêng tư có thể là cách giúp đỡ người vô gia cư có được sự tự tin để vươn lên trong cuộc sống. “Mọi người đều có lối sống riêng của họ. Thật khó để điều chỉnh thói quen bản thân khi phải sống chung với nhiều người khác” - ông Kim Uk, Giám đốc dự án “Hope Room” - cho biết.
Học cách tự xoay xở
Bước đầu tiên của dự án là cung cấp phòng riêng cho người vô gia cư. Họ chỉ phải trả trước 80.000 won (khoảng 1,5 triệu đồng) để được sử dụng căn phòng trong 1 năm. Những căn phòng bên trong trung tâm của dự án ở quận Seodaemun có không gian tươi sáng, môi trường sạch sẽ và được trang trí những gam màu nhẹ nhàng, tạo cho người thuê cảm giác thoải mái như ở nhà của chính họ. Mỗi căn phòng rộng 3,5 m2 này đều có giường, tủ quần áo và một chiếc bàn nhỏ.
Điểm đáng chú ý là lương thực không được cung cấp dù trung tâm có tủ lạnh và không gian nấu nướng vì dự án muốn trao cho người vô gia cư cơ hội học cách tự xoay xở và làm chủ cuộc sống của mình. “Mục đích lớn nhất của chúng tôi là khi những người thuê nhà rời khỏi đây thì họ sẽ không bao giờ trở lại cảnh sống ngoài đường phố nữa” - ông Kim khẳng định. Hiện dự án đã thu hút được 55 người thuê.
Các nhà sáng lập hy vọng dự án “Hope Room” có thể góp phần giảm bớt số lượng người vô gia cư ở Seoul thông qua việc đáp ứng yêu cầu của họ về sự riêng tư. Ở phạm vi rộng hơn, họ cho rằng dự án sẽ giúp thu hút sự quan tâm đối với xu hướng ngày càng có nhiều người Hàn Quốc lựa chọn sống một mình. Theo dự báo, số hộ gia đình chỉ có một người sẽ chiếm 25,3% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc trong năm 2013. Đến năm 2035, tỉ lệ này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 34,3%.
Bình luận (0)