Chiến dịch trên bắt đầu ngày 19-9 sau khi Azerbaijan cáo buộc một số binh sĩ của họ thiệt mạng trong các vụ tấn công xuất phát từ Nagorno-Karabakh.
Đây là khu vực được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan. Tuy nhiên, chính quyền ly khai của người gốc Armenia đang kiểm soát một phần nơi này vì cho rằng đây là quê hương của tổ tiên họ.
Azerbaijan cho biết mục tiêu của chiến dịch là giải giáp và bảo đảm các lực lượng vũ trang Armenia rời khỏi lãnh thổ mình, cũng như vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của họ.
Chính quyền ly khai ở Nagorno-Karabakh cho biết ít nhất 27 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong hành động quân sự mới nhất của Azerbaijan. Ngoài ra, hãng tin TASS cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã sơ tán hơn 2.000 người ra khỏi những vùng gặp nhiều nguy hiểm ở Nagorno-Karabakh.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sơ tán người dân tại thị trấn Askeran ở Nagorno-Karabakh hôm 20-9 Ảnh: REUTERS
Sau khi xung đột nổ ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm và thúc giục Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev lập tức chấm dứt "các hành động thù địch".
Ông Blinken cũng nói với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan rằng Washington ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi "chấm dứt giao tranh ngay lập tức" trong lúc Liên minh châu Âu, Pháp và Đức lên án động thái của Azerbaijan.
Riêng Nga thúc giục hai bên chấm dứt đổ máu và sự thù địch, tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian theo sau cuộc xung đột kéo dài 6 tuần hồi năm 2020. Điện Kremlin cũng bác bỏ cáo buộc của Armenia, theo đó Nga không hành động đủ để ngăn giao tranh ở Nagorno-Karabakh.
Hiện chưa rõ liệu hành động quân sự mới nhất của Azerbaijan có gây ra xung đột toàn diện và lôi kéo Armenia tham gia hay không. Tuy nhiên, theo Reuters, giao tranh ở Nagorno-Karabakh có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị ở khu vực Nam Caucasus. Đây là nơi Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang cạnh tranh ảnh hưởng.
Bình luận (0)