Israel bị nghi là đã tấn công 4 quốc gia Trung Đông trong 2 ngày liên tiếp nhằm đẩy mạnh chiến dịch chống lại Iran và các đồng minh của nước này. Trong một tuyên bố hôm 26-8, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định Israel sẽ mở rộng các hoạt động bên ngoài lãnh thổ để "tấn công kẻ thù" trong lúc nhấn mạnh nước này sẽ bảo vệ nền an ninh của mình bằng mọi giá. Nhà lãnh đạo Israel cũng hối thúc cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để kết thúc điều mà ông khẳng định là các cuộc tấn công khủng bố của Iran nhằm vào Israel.
Trước đó, vào ngày 24-8, Lực lượng Không quân Israel (IDF) lên tiếng nhận trách nhiệm không kích các mục tiêu của Iran và được Tehran hậu thuẫn ở Syria vào cuối tuần rồi để chống lại điều mà họ khẳng định là âm mưu triển khai máy bay không người lái (UAV) được trang bị chất nổ để tấn công Israel. Đến ngày 26-8, IDF tuyên bố đã không kích các mục tiêu của phong trào Hamas để đáp trả các vụ tấn công tên lửa được triển khai từ lãnh thổ Palestine trước đó.
Giữa lúc căng thẳng leo thang, Israel cũng bị nghi đứng sau các cuộc tấn công ở Lebanon và Iraq trong cùng thời điểm. Đến thời điểm hiện tại, Israel vẫn chưa xác nhận thông tin này dù giới chức Mỹ hồi tuần rồi tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy Israel thực hiện ít nhất 1 cuộc tấn công ở Iraq. Trong một động thái được cho là nhằm hạ nhiệt tình hình, Bộ trưởng Tài chính Israel Moshe Kahlon hôm 26-8 nói rằng quốc gia của ông không đứng sau một số vụ tấn công ở Trung Đông trong những ngày qua như những gì bị cáo buộc.
Binh sĩ và khí tài quân sự Israel ở cao nguyên Golan hôm 26-8 Ảnh: REUTERS
Dù vậy, trong các tuyên bố đưa ra hôm 26-8, Tổng thống Lebanon Michel Aoun và một lực lượng bán quân sự Iraq vẫn quy trách nhiệm cho Israel, nói rằng họ xem các cuộc không kích của Israel nhằm vào quốc gia họ là "một lời tuyên chiến". Trước đó 1 ngày, thủ lĩnh phong trào Hezbollah ở Lebanon - ông Hassan Nasrallah - cũng tuyên bố sẽ trả thù cho các thành viên thiệt mạng.
Theo ông Johannes Becke, chuyên gia của Trường ĐH Heidelberg (Đức), Israel đang trở thành trung tâm của các chiến dịch quân sự căng thẳng ở dải Gaza, Syria và Lebanon nhưng về cơ bản, mâu thuẫn vẫn có thể giải quyết được. Chuyên gia này cho rằng mục đích của các chiến dịch quân sự nhỏ lẻ thời gian qua, chẳng hạn như các cuộc tấn công nhằm vào dải Gaza, là thu hút sự chú ý của truyền thông.
"Bất kể Hamas cố tình châm ngòi xung đột gần dải Gaza hay nỗ lực triển khai UAV ở cao nguyên Golan, những hành động gây hấn này không thể đe dọa Israel" - ông Becke khẳng định, đồng thời lưu ý rằng Israel hiện không xung đột lãnh thổ với Lebanon hay Iran.
Trong khi đó, báo Times of Israel hôm 26-8 dẫn lời 3 bộ trưởng giấu tên của Israel cho biết nước này quan ngại sâu sắc với tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Họ lo sợ ông chủ Nhà Trắng có thể mở ra một kênh đàm phán với Iran tương tự như với Triều Tiên, từ đó gỡ bỏ sức ép lên Tehran. "Chúng tôi không mong muốn các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran. Khả năng gây ảnh hưởng của chúng tôi lên Tổng thống Trump là rất hạn chế" - một bộ trưởng Israel khẳng định.
Dù vậy, Tổng thống Rouhani hôm 27-8 tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi Washington gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Theo đài Sputnik, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã lần lượt đến Trung Quốc và Nhật Bản trong hai ngày 26 và 27-8 để tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn của hai nước này trong nỗ lực đối phó chính sách cứng rắn của Washington.
Bình luận (0)