Quốc hội mới của Mỹ nhóm họp trở lại vào ngày 3-1 (giờ địa phương) với một chương trình nghị sự đầy tham vọng của Đảng Cộng hòa (GOP) đang kiểm soát cả hạ viện và thượng viện.
Cuộc chiến khó khăn
Danh sách mục tiêu của GOP khá dài, từ bãi bỏ đạo luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (gọi tắt là ACA hoặc còn được biết đến là Obamacare), các quy định về môi trường và tài chính của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama cho đến thông qua các biện pháp cải tổ về thuế. Dĩ nhiên, đây không phải là cuộc chiến dễ dàng bởi nỗ lực ngăn cản của Đảng Dân chủ và cả ông Obama.
Trong ngày 4-1, theo Reuters, ông chủ Nhà Trắng dự định gặp các nghị sĩ Đảng Dân chủ để bàn về chiến lược bảo vệ Obamacare trước GOP, phe cáo buộc đạo luật này không hiệu quả và cản trở sự tăng trưởng việc làm. “Chúng tôi sẽ chiến đấu hết sức mình để bảo vệ ACA” - ông Steny Hoyer, nghị sĩ Đảng Dân chủ, tuyên bố với các phóng viên. Bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại hạ viện, cho biết thêm họ sẽ phát động chiến dịch huy động sự ủng hộ của dân chúng dành cho Obamacare bằng lời giải thích rằng động thái bãi bỏ đạo luật sẽ gây tổn hại cho đa số người dân.
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Mike Pence dự kiến cũng gặp các nghị sĩ GOP ngày 4-1 để vận động “xóa sổ” Obamacare. GOP có kế hoạch thúc đẩy dự luật có nội dung bãi bỏ Obamacare trong những tuần tới nhưng hoãn hành động trong 2-3 năm trong lúc duy trì một số điều khoản của đạo luật này. GOP có thêm niềm tin thắng trận chiến này bởi họ sẽ kiểm soát thêm Nhà Trắng sau khi tỉ phú Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2017 tới. Dù vậy, cũng như nhiều mục tiêu khác của GOP, ý định bãi bỏ Obamacare đối mặt không ít thách thức, nhất là làm sao có phiên bản thay thế mà không gây ra xáo trộn cho cuộc sống người dân.
Khó tránh “nội chiến”
Lập trường chống Obamacare có thể là một trong số vài điểm chung hiếm hoi giữa ông Trump và các nghị sĩ GOP. Một số nhà phân tích cho rằng “nội chiến” trong lòng GOP là điều khó tránh bởi những tranh cãi về lựa chọn nội các và chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ, nhất là liên quan đến mối quan hệ với Nga. Ngoài những đạo luật mới, Thượng viện Mỹ sẽ phải tốn không ít thời gian, công sức để xem xét những lựa chọn nhân sự cho chính quyền ông Trump và đề cử cho chiếc ghế thẩm phán Tòa án Tối cao còn trống.
Dấu hiệu khó khăn đã đến ngay từ trước khi ông Trump lên nắm quyền. Chẳng hạn như sau khi ông Rex Tillerson, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil Corp, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ John McCain, thành viên GOP, cảnh báo nhân vật được cho là thân Moscow này sẽ phải giải thích về mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chưa hết, phe Dân chủ dự kiến sẽ phản đối việc bổ nhiệm ông Jeff Sessions, thành viên GOP, làm Bộ trưởng Tư pháp do ông này có lập trường chống nhập cư và có những phát biểu về chủng tộc gây tranh cãi. Việc đề cử ông Steven Mnuchin, từng làm việc cho Tập đoàn tài chính đa quốc gia Goldman Sachs, ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính chắc chắn cũng bị phản ứng nếu xét đến cam kết giảm bớt ảnh hưởng của phố Wall lên chính trường mà ông Trump đưa ra khi tranh cử.
Quan hệ giữa ông Trump và quốc hội có nguy cơ xấu thêm nếu nhà lãnh đạo Mỹ sắp tới có động thái dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt mới nhất của chính quyền ông Obama nhằm vào Nga, liên quan đến cáo buộc Moscow tấn công mạng để can thiệp vào bầu cử Mỹ. Nghị sĩ Adam Schiff của Đảng Dân chủ vừa lên tiếng nhắc nhở quốc hội sẽ có phản ứng mạnh nếu ông Trump thật sự làm thế.
Chứng kiến bầu không khí chính trị ngày càng căng thẳng, không có gì khó hiểu khi đa số dân Mỹ cảm thấy bất an trước thời điểm đất nước có tổng thống mới. Theo thăm dò được Công ty Gallup công bố hôm 2-1, chưa đến 50% người dân Mỹ tin vào khả năng của ông Trump trong việc xử lý một cuộc khủng hoảng quốc tế, sử dụng lực lượng quân sự khôn ngoan hoặc ngăn chặn những sai sót nghiêm trọng về đạo đức trong chính quyền của mình.
Bình luận (0)