Theo hãng tin AP, binh sĩ hai nước tiếp tục nhắm vào các vị trí quân sự và làng mạc của đối phương dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) chia cắt Kashmir, khiến ít nhất 6 dân thường và 2 binh sĩ Pakistan thiệt mạng, 4 người bị thương.
Quan hệ giữa 2 nước láng giềng có vũ khí hạt nhân này gia tăng sau khi máy bay Ấn Độ tiến hành không kích bên trong lãnh thổ Pakistan hôm 26-2. Pakistan sau đó đáp trả, bắn hạ một máy bay Ấn Độ và bắt giữ phi công Varthaman.
Phi công Abhinandan Varthaman (phải) được Pakistan phóng thích hôm 1-3Ảnh: PTI
Căng thẳng nói trên đang đe dọa đẩy hai cường quốc hạt nhân ở Nam Á đến gần nguy cơ xung đột hơn bao giờ hết trong suốt 2 thập kỷ qua. Kể từ cuộc giao tranh gần nhất ở LoC vào năm 1999 gây ra nhiều thương vong, hai nước âm thầm tìm cách cải thiện khả năng quân sự của mình.
Ấn Độ giờ đây đã vượt mặt Pakistan về hầu hết con số liên quan đến vũ khí và binh sĩ. New Delhi cũng bỏ xa Islamabad về các khía cạnh khác, đáng chú ý là ngân sách quốc phòng 64 tỉ USD so với 11 tỉ USD của nước láng giềng.
"Rất nhiều căn cứ của Pakistan nằm gần Ấn Độ, khiến chúng dễ dàng trở thành mục tiêu của các lực lượng đối phương" - ông Nishank Motwani, chuyên gia tại Trường ĐH Ngoại giao châu Á - Thái Bình Dương (Úc), nói với đài CNN.
Dù vậy, một trong những ưu thế của Pakistan là vũ khí hạt nhân. Số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) hồi năm ngoái cho thấy Pakistan sở hữu 140-150 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số này của Ấn Độ là khoảng 130-140.
Ông Peter Layton, nhà phân tích tại Viện châu Á Griffith (Úc), lo ngại nếu diễn biến mới gây bất lợi đối với Pakistan thì các đầu đạn hạt nhân có thể được triển khai trước khi các chỉ huy ở Islamabad kịp ngăn cản.
"Pakistan có chính sách chiến lược ủy quyền phê duyệt sử dụng hạt nhân cho các đơn vị chiến thuật cấp thấp hơn. Mối nguy hiểm thực sự đến từ việc kiểm soát vũ khí hạt nhân lỏng lẻo bởi các chỉ huy hiếu chiến cấp dưới..." - ông Leyton lo ngại.
Bình luận (0)