Mỹ - Trung Quốc đang có một năm khó khăn bởi một loạt bất đồng. Đầu năm 2014 này, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận khí đốt với Nga trong bối cảnh xảy ra căng thẳng năng lượng giữa Nga, châu Âu và Mỹ. Vấn đề khí đốt khi đó được xem là một phần nỗ lực can thiệp quân sự và chính trị vào Ukraine của Nga. Vì thế, thỏa thuận khí đốt Nga - Trung đủ để khơi dậy những ký ức và nỗi lo về thời chiến tranh lạnh.
Ngay trước khi thỏa thuận khí đốt trên được ký kết, Bắc Kinh và Washington đã tranh cãi gay gắt về vấn đề gián điệp kinh tế Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các công ty Mỹ. Khi ấy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố: “Động thái đó của Mỹ, vốn là bịa đặt, hiển nhiên vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và phương hại đến quan hệ hợp tác Trung-Mỹ cũng như sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước”.
Phát biểu với tờ The Washington Post, ông Robert Ross, Giáo sư Khoa học Chính trị tại trường ĐH Boston và trợ lý giáo sư tại Trung tâm John King Fairbank về Trung Quốc học thuộc trường ĐH Harvard, nhận xét: “Quan hệ Mỹ-Trung hiện trong giai đoạn tồi tệ kể từ khi bình thường hóa quan hệ và Đông Á đang kém ổn định nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh”.
Căng thẳng ở biển Đông gia tăng kể từ khi Trung Quốc ra tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết vùng biển này, đồng thời có những hành động khiêu khích như hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó, tàu tuần duyên Trung Quốc bị tố đã cố tình cản trở hoạt động của tàu chính phủ Philippines ở biển Đông.
Cuộc đối đầu Nhật - Trung cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Mỹ - Trung. Mỹ hồi tháng 4 đã thể hiện lập trường rõ ràng đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật đang kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. “Cam kết của chúng tôi đối với an ninh của Nhật Bản là tuyệt đối và điều 5 (của hiệp ước an ninh) bao gồm tất cả vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản, kể cả quần đảo Senkaku” - Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo.
Giới phân tích nhận định những vấn đề trên chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung dự kiến diễn ra ở Bắc Kinh trong 2 ngày 9 và 10-7.
Bình luận (0)