“Thời điểm đã chín muồi. Cuộc biểu tình đã kéo dài quá lâu và đến lúc phải kết thúc. Liệu nó có đi tới một cái kết có hậu hay không phụ thuộc và đông đảo người dân trên khắp đất nước và giới chức lãnh đạo” – ông Suthep tuyên bố trong cuộc gặp mặt người biểu tình hôm 17-5.
Cuộc gặp mặt diễn ra ở tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok – vốn là nơi làm việc của thủ tướng nước này. Tuy nhiên, tòa nhà này hiện đang bị ông Suthep trưng dụng để tổ chức sự kiện gặp gỡ người biểu tình trên khắp cả nước. Theo lời vị thủ lĩnh này, cuộc tổng biểu tình được coi là canh bạc cuối cùng của ông sẽ bắt đầu vào ngày 19-5.
Trước đó, ông dự kiến sẽ gặp giới chức doanh nghiệp trong nước và những viên chức đã nghỉ hưu thiện chí với phong trào biểu tình chống chính phủ vào ngày 18-5 để thảo kế hoạch lập chính phủ mới. Tiếp đó, ông muốn gặp các viên chức nhà nước cấp cao vào ngày 22-5.
Thái Lan không còn Hạ viện từ tháng 12-2013 khi bà Yingluck giải tán viện này và kêu gọi tổng tuyển cử. Cuộc bỏ phiếu đã bị những người biểu tình ủng hộ ông Suthep cản trở quyết liệt và kết quả bầu cử sau đó không được Tòa án Hiến pháp Thái Lan công nhận. Cuộc bầu cử lại được ấn định vào ngày 20-7 sắp tới cũng được cho là rất mong manh.
Thượng viện Thái Lan với không ít thành viên “thân cận” với Suthep đang nỗ lực tìm cách phá vỡ sự bế tắc trên chính trường nước này. Sau cuộc họp hôm 16-5, Chủ tịch Thượng viện mới được bầu Surachai Liangboonlertchai tuyên bố Thượng viện đã chuẩn bị chọn thủ tướng lâm thời nhưng cần phải nói chuyện với các đảng phái chính trị trước. Tuy nhiên, ông Suthep tỏ ra không hài lòng với phương án này và hành động kêu gọi cuộc tổng biểu tình cuối cùng của ông được cho là nhằm gây áp lực thúc giục Thượng viện hành động dứt khoát hơn đối với yêu cầu chỉ định thủ tướng lâm thời mới.
Bình luận (0)