Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-3 bất ngờ nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 5 tới.
Đảo chính ngoại giao
Bước ngoặt khó tin mà báo giới Mỹ gọi là "đảo chính ngoại giao" này được đánh giá là canh bạc chính trị của thế kỷ XXI. Nhận lời gặp thượng đỉnh với người đứng đầu đất nước mà hai bên thậm chí đến một cuộc điện đàm cũng chưa từng có trong quá khứ chính là canh bạc lớn nhất đối với Tổng thống Trump kể từ khi ông nhậm chức.
Theo trang Bloomberg, ông Trump đã đặt cược vào chiến dịch gây sức ép kinh tế tối đa lên Bình Nhưỡng, buộc nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên cân nhắc điều không thể tưởng tượng trước đó: từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân do cha mình khởi xướng. Nếu sự tình đúng vậy, Mỹ sẽ giúp giảm bớt nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai từng bị đẩy cao trong năm ngoái.
Màn hình tivi tại một nhà ga ở Seoul - Hàn Quốc hôm 9-3 phát tin tức có hình ảnh Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un Ảnh: AP
Quyết định bị không ít chuyên gia cho là quá vội vàng lần này của ông Trump thực ra cũng không quá bất ngờ nếu nhìn vào tính cách của vị tổng thống vốn là tỉ phú nổi tiếng về khả năng đàm phán. Tự tin đến cùng để nhắm tới một cái kết tốt hơn trong bất cứ cuộc đàm phán nào, ông Trump còn có một triết lý khác: Liều ăn nhiều, ít quan tâm tới những bàn ra tán vào của giới hoạch định chính sách đối ngoại thường lo xa.
Đài BBC đánh giá với quyết định đồng ý cuộc gặp chưa từng có tiền lệ, người ta có thể gọi ông Trump là bậc thầy của chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh". Tuy nhiên, cũng có người xem ông chỉ là con tốt trong một trò chơi láu cá hơn.
Theo The Washington Post, một số nhà phân tích thừa nhận sở dĩ ông Kim Jong-un bất ngờ muốn đối thoại là do Triều Tiên đã bắt đầu "thấm đòn" trừng phạt kinh tế cũng như lo ngại Mỹ tấn công quân sự. Tuy nhiên, lý do thực sự được cho là nhà lãnh đạo Triều Tiên đang tự tin hơn bao giờ hết. Hồi tháng 11-2017, ông Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã hoàn tất chương trình tên lửa và sẵn sàng đối thoại với Mỹ ở địa vị ngang bằng, tức giữa hai quốc gia hạt nhân.
Chiến thắng lớn
Chuyên gia phân tích Laura Bicker của BBC đánh giá trong canh bạc, ngoài nhân tố ông Trump, có thể kể tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người được xem như thiên tài ngoại giao nhưng cũng có thể chỉ là "nạn nhân" bị Triều Tiên lợi dụng. Thế nhưng, tay chơi quan trọng nhất trong ván cờ chính trị lạ lùng nhất này không ai khác ngoài ông Kim Jong-un.
"Đối với ông Kim, cuộc gặp với ông Trump sẽ là chiến thắng tuyên truyền lớn" - chuyên gia địa chính trị Ankit Panda viết trên The Daily Beast. Cũng theo chuyên gia này, tổng thống Mỹ khó lòng đạt mục đích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên dù Bình Nhưỡng tỏ ra sẵn sàng làm điều đó trong cuộc gặp phái đoàn do Giám đốc An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đứng đầu hôm 5-3. Thay vào đó, ông Kim có cơ hội chụp hình chung với ông Trump trong vị thế ngang nhau.
"Việc đóng băng các thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong 2 tháng tới là cái giá tương đối nhỏ cho Triều Tiên để đổi lấy lợi ích từ một cuộc gặp với ông Trump" - ông Panda đánh giá.
Trong khi nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ nghi ngờ Triều Tiên đang câu giờ để xây dựng và cải tiến kho vũ khí hạt nhân, ông Evan S. Medeiros, cố vấn châu Á cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định ông Kim đã đùa cợt ông Moon và giờ quay sang làm điều tương tự với ông Trump. Trước đây, Triều Tiên không ít lần hủy bỏ cam kết khi quyết định về việc đàm phán.
Trong khi đó, đối với các đồng minh của Mỹ sát sườn Triều Tiên, nhất là Nhật Bản, diễn biến bất ngờ nói trên lại châm ngòi một mối lo mới, rằng Tổng thống Trump có thể đưa ra những nhượng bộ khiến các hàng xóm châu Á của Triều Tiên khó nuốt trôi. Hoặc, nếu đàm phán thất bại, kịch bản đáng sợ nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tái hiện: Cuộc xung đột hạt nhân bùng phát ngay trước cửa nhà mình!
Theo Reuters, ngay sau thông báo về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói ông đánh giá cao sự thay đổi của Triều Tiên và cho rằng công lớn dẫn tới đàm phán là nhờ sức ép kết hợp từ Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép mạnh nhất cho tới khi Triều Tiên có các hành động cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" - ông Abe nói, đồng thời nhấn mạnh Tokyo và Washington sẽ kề vai sát cánh 100%. Nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ tới thăm ông Trump ở Washington vào tháng tới để bàn về vấn đề Triều Tiên.
Bình luận (0)