Với ông, kết quả đột phá nói trên chứng tỏ nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho một trong những ưu tiên đối ngoại kể từ khi đặt chân vào Nhà Trắng là đúng đắn, bất chấp quá trình này gian khổ và chứa đựng không ít rủi ro chính trị.
“Một phần mục tiêu của thỏa thuận là chứng tỏ biện pháp ngoại giao có thể mang lại hiệu quả ngay cả khi nó chưa hoàn hảo và không đem lại mọi thứ chúng ta mong muốn” - ông Obama nói với báo The New York Times. Vẫn còn quá sớm để nói thỏa thuận trên có ngăn được tham vọng hạt nhân của Tehran hay không nhưng đây vẫn là thành tựu quan trọng trong di sản mà ông Obama để lại sau khi hết nhiệm kỳ vào năm tới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo về thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 15-7 Ảnh: CNN
Iran và P5+1 phải mất 18 tháng mới tìm được tiếng nói chung, qua đó cho thấy ông Obama bỏ ra không ít thời gian và tâm huyết cho canh bạc ngoại giao này. Theo thời gian, cuộc đàm phán dần trở thành cuộc “trưng cầu ý dân” đối với niềm tin của ông chủ Nhà Trắng, theo đó ngay cả những “kẻ thù cứng đầu” nhất của Mỹ cũng có thể bị khuất phục bởi sức ép về kinh tế và ngoại giao, thay vì sức mạnh quân sự.
“Hướng tiếp cận này thể hiện điểm cốt lõi trong con người ông Obama cũng như nhiệm kỳ tổng thống của ông. Vì thế, ông phải chứng minh sự đúng đắn của nó” - bà Julianne Smith, một cựu quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, nhận định với hãng tin AP.
Quan điểm “đàm tốt hơn đánh” được ông Obama nêu bật trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008. Khi đó, ông cam kết sẽ gặp lãnh đạo những nước bị xem là “kẻ thù” của Mỹ mà không cần điều kiện tiên quyết nào, khiến một số ứng viên đối thủ chỉ trích ông “ngây thơ”. Chưa hết, khi đề cập cuộc chiến Iraq, ông nhấn mạnh “không chỉ khép lại cuộc chiến mà còn muốn xóa bỏ lối tư duy từng khiến chúng ta tham chiến”.
Nói là làm, kể từ khi lên nắm quyền, ông Obama ưu tiên tìm giải pháp ngoại giao cho một loạt thách thức đối ngoại dù không phải nỗ lực nào cũng thành công. Chẳng hạn, kế hoạch thương thảo để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria vẫn giậm chân tại chỗ. Bù lại, thỏa thuận hạt nhân Iran, cộng với việc nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau nửa thế kỷ thù địch, là những thành quả đầy khích lệ đối với con đường ông Obama đang đi.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, cuộc tranh luận về thỏa thuận hạt nhân Iran chính là sự lựa chọn giữa ngoại giao và chiến tranh. Dù vậy, bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng hiểu rõ rủi ro một khi thỏa thuận hạt nhân không mang lại được kết quả như kỳ vọng. “Nếu Iran cuối cùng vẫn có một quả bom (hạt nhân) thì tên tuổi của tôi sẽ gắn liền với điều này” - ông thừa nhận khi trả lời phỏng vấn tạp chí The Atlantic gần đây.
Báo The New York Times nhận định cả 2 phe ủng hộ và phản đối thỏa thuận trên ít ra cùng nhất trí về một điểm: Ông Obama sẽ đi vào lịch sử vì nó. Vấn đề là ông sẽ được nhớ đến như thế nào - một người kiến tạo hòa bình hay một người nhân nhượng vô nguyên tắc?
Bình luận (0)