Hiện chưa rõ ông Duterte sẵn sàng xoay trục từ Washington sang Bắc Kinh đến đâu vì nói là một chuyện còn làm lại là chuyện khác. Dù vậy, giới phân tích lập tức chỉ ra một chặng đường nhiều chông gai đang chờ nhà lãnh đạo hay có phát ngôn gây sốc này nếu ông thật sự muốn làm thế.
Trước hết là sự phản đối ngay bên trong chính phủ và quân đội Philippines. Một số quan chức cấp cao Philippines thời gian qua thường có phát biểu ngược lại những lời đe dọa cắt đứt quan hệ với Mỹ mà ông Duterte đưa ra. Trong khi đó, quân đội Philippines nhìn chung là thân Mỹ và chống Trung Quốc - theo ông Richard Javad Heydarian, giáo sư về khoa học chính trị tại Trường ĐH De La Salle (Philippines).
Thách thức lớn hơn là làm sao thuyết phục người dân tin rằng Trung Quốc là đối tác thân thiện sau khi Bắc Kinh chiếm giữ bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người dân Philippines tin Mỹ hơn Trung Quốc nhiều.
Tạp chí Time nhận định uy tín của ông Duterte có thể sụt giảm nếu sự mềm mỏng của ông trong lập trường về biển Đông không mang lại lợi ích rõ rệt nào. “Nếu ông Duterte không nhận được gì từ người Trung Quốc trong vòng 1 năm, sức ép trong nước chắc chắn sẽ tăng lên… Vì thế, ve vãn Trung Quốc không phải là bước đi bền vững” - ông Heydarian nhận định.
Tờ Financial Times (Anh) thậm chí cảnh báo ông Duterte có thể mất cả chì lẫn chài. Trong ngắn hạn, Manila có thể được Bắc Kinh “tưởng thưởng” về kinh tế do những nhượng bộ trong vấn đề biển Đông.
Tuy nhiên, về lâu dài, những lời lẽ “có cánh” của ông Duterte khó ngăn được Trung Quốc hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm hầu hết biển Đông (thể hiện qua đường lưỡi bò phi pháp). Nói cách khác, Manila đang đối mặt nguy cơ phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền để đổi lấy cam kết đầu tư, thương mại từ Bắc Kinh.
Hơn nữa, bằng cách giáng cấp quan hệ với đồng minh Mỹ, ông Duterte cũng tự đặt mình vào thế yếu trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về biển Đông. Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), giải thích chính sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines đang khiến Trung Quốc chưa dám leo thang tại bãi cạn Scarborough nhưng ông Duterte lại muốn vứt bỏ đòn bẩy này.
Một đòn bẩy khác - phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) đối với vụ kiện biển Đông - cũng đang bị nhà lãnh đạo Philippines bỏ qua để làm vui lòng Trung Quốc. Đã xuất hiện cảnh báo rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào đi ngược phán quyết nói trên của Philippines cũng sẽ gây cản trở nỗ lực soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Nguy hiểm hơn, nền pháp trị tại khu vực sẽ bị tổn hại trong lúc Trung Quốc được đà lấn tới.
Nói tóm lại, cho dù nhận được những gì mình muốn trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này, ông Duterte khó có thể về nước với tư cách của người chiến thắng bởi vị thế Philippines đã giảm sút so với Trung Quốc trong khi quan hệ với đồng minh lâu năm thêm xấu đi. Ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), thậm chí cảnh báo khả năng ông Duterte bị luận tội nếu làm phật lòng cộng đồng kinh doanh, lực lượng vũ trang hoặc đối thủ chính trị.
Vì thế, theo ông Heydarian, ông Duterte có lẽ sẽ không đi quá xa. Sau khi rời xa sự đón tiếp nồng ấm của Trung Quốc và được nội các cảnh tỉnh, nhà lãnh đạo này có thể cân nhắc lại. Ngay khi trở về nước hôm 21-10, ông Duterte đính chính rằng ông không có ý cắt đứt quan hệ với Washington mà chỉ muốn theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập hơn bằng cách tăng cường bắt tay Bắc Kinh.
Dù vậy, điều người ta nhìn thấy từ chuyến công du trên là nhà lãnh đạo này thực chất chỉ muốn Philippines chuyển sự “phụ thuộc” từ Mỹ sang Trung Quốc.
Bình luận (0)