Cảnh báo được đưa ra chỉ một ngày trước khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tại Washington.
"Đe dọa phản gián đối với Trung Quốc đang trở nên sâu sắc hơn, đa dạng, khó hiểu và thách thức hơn, toàn diện và gây lo ngại hơn bất cứ đe dọa phản gián nào tôi có thể nghĩ tới" - Giám đốc FBI Christopher Wray nói tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 29-1.
Theo lời ông Wray, số vụ điều tra gián điệp kinh tế mà FBI đang theo đuổi tại 50 văn phòng của tổ chức này đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây và hầu hết các vụ đó đều dẫn ngược về phía Trung Quốc.
Từ trái qua: Giám đốc FBI Christopher Wray, Giám đốc CIA Gina Haspel và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ảnh: Reuters
Tại phiên điều trần, các quan chức tình báo Mỹ đã đặt mối quan ngại về Trung Quốc đi đôi với mối quan ngại về Nga, trong đó Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats cảnh báo các chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga lên mạng xã hội sẽ tiếp tục và tìm cách khuấy đảo căng thẳng xã hội và sắc tộc ở Mỹ.
Trong báo cáo về đe dọa trên toàn thế giới tới Mỹ công bố tại phiên điều trần, ông Coats nói rằng Trung Quốc và Nga đang đang "thống nhất chiến lược hơn bất cứ lúc nào kể từ giữa những năm 1950" và những thay đổi trong chính sách thương mại và an ninh của Mỹ đang khiến các đồng minh và đối tác của nước này tìm kiếm sự độc lập nhiều hơn khỏi Washington.
Ông Coats nhận định Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ siết chặt mối quan hệ trong những năm tới, đặc biệt là khi họ cùng cảm thấy bị đe dọa bởi Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Coats mô tả chương trình triển hạ tầng quốc tế của Bắc Kinh – Sáng kiến Vành đai và Con đường – một trong những chương trình điểm nhấn của Chủ tịch Tập Cận Bình, là một kênh mà qua đó Chính phủ Trung Quốc tích cực tìm kiếm sự mở rộng tiếp cận kinh tế, chính trị và quân sự.
Giám đốc Tình báo Quốc gia nhấn mạnh Bắc Kinh còn có ý định sử dụng vị thế ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) – nơi Trung Quốc giữ vị trí đóng góp lớn thứ 2 cho ngân sách lực lượng gìn giữ hòa bình và đứng thứ 3 về đóng góp ngân sách chung, để thúc ép LHQ các các nước thành viên chấp nhận các quan điểm của Bắc Kinh trong các vấn đề, chẳng hạn như nhân quyền hay Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 18-1 với China-US Focus, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai đã cho rằng sự đóng góp gia tăng của chính phủ của ông cho LHQ là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đảm nhiệm trách nhiệm quốc tế lớn hơn.
Những cảnh báo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi vhính phủ Mỹ vừa đưa ra một loạt truy tố, trong đó có tội danh gián điệp thương mại, chống lại tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc.
Phía Huawei bác bỏ các cáo buộc này trong khi Bắc Kinh gọi đó là nỗ lực chính trị của Mỹ nhằm tấn công các công ty Trung Quốc.
Phiên điều trần hôm 29-1 diễn ra giữa lúc Mỹ tìm cách dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei Meng Wanzhou – người đang được bảo lãnh tại ngoại ở Canada và đối mặt với các cáo buộc lừa đảo tài chính nhằm lách trừng phạt của Mỹ chống lại việc làm ăn với Iran.
Bình luận (0)