Công bố truy tố mới nhất từ Bộ Tư pháp Mỹ với tổng cộng 23 tội danh nhằm vào Huawei và Giám đốc Tài chính Meng Wanzhou của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này đã phủ bóng đen lên cuộc đàm phán thương mại song phương dự kiến diễn ra ở Washington trong ngày 30-1 (giờ địa phương).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29-1 cáo buộc Washington "bức tử" các doanh nghiệp của nền kinh tế số 2 thế giới. Người phát ngôn Cảnh Sảng nói Bắc Kinh nhận thấy "những động cơ chính trị mạnh mẽ và sự thao túng" đằng sau những cáo buộc của Mỹ chống lại Huawei.
Các cáo buộc này nằm trong 2 bản cáo trạng. Một bản gồm 13 tội danh được công tố viên Liên bang Mỹ đưa lên tòa án ở Brooklyn, New York hôm 28-1, theo đó cáo buộc Huawei và bà Meng âm mưu vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran bằng cách làm ăn với Tehran thông qua một chi nhánh mà Huawei tìm cách che giấu.
Cáo trạng còn lại gồm 10 tội danh được nộp lên tòa án ở bang Washington, cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ robot từ công ty T-Mobile của Mỹ và hứa thưởng tiền cho nhân viên nào lấy cắp được kỹ thuật tân tiến từ các đối thủ của Huawei.
"Các cáo buộc phơi bày những hành động trơ tráo, dai dẳng của Huawei nhằm lợi dụng các công ty, tổ chức tài chính Mỹ và đe dọa đến thị trường toàn cầu tự do và công bằng" - Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nhấn mạnh.
Nếu không đạt thỏa thuận thương mại trước ngày 1-3, Mỹ dọa tăng thuế quan đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% Ảnh: AP
Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra những cáo buộc chính thức nhằm vào bà Meng. Cùng ngày 28-1, Bộ Tư pháp Canada cho biết đã nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức từ Washington đối với bà Meng, con gái nhà sáng lập Huawei. Bà Meng bị bắt giữ tại Canada hôm 1-12-2018 theo yêu cầu của Mỹ và đang trong thời gian tại ngoại chờ phiên tòa ngày 6-2-2019 về quyết định dẫn độ sang Mỹ.
Theo báo The Wall Street Journal, động thái truy tố từ Mỹ và phản ứng gay gắt của Trung Quốc khiến bầu không khí đàm phán dự kiến diễn ra ngày 30 và 31-1 trở nên kém lạc quan trong khi thời hạn đình chiến thương mại 90 ngày chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc. Cuộc đàm phán diễn ra tại tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower kế bên Nhà Trắng, với nội dung hướng tới kết quả trì hoãn thêm hoặc hủy bỏ kế hoạch tăng thuế quan của Tổng thống Donald Trump (từ 10% lên 25%) đối với gói hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD.
Theo nhận định của trang Bloomberg, kịch bản đột phá nhất là Trung Quốc sẽ tới bàn đàm phán với một đề nghị cải cách kinh tế đủ tham vọng để hai bên đi đến thỏa thuận. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện thực sự rất khó, thậm chí là bất khả thi. "Mỹ muốn các thay đổi rộng rãi về cách Trung Quốc kiểm soát các tập đoàn. Rất khó để làm điều đó" - ông David Loevinger, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận định.
Trong khi đó, một diễn biến khác được cho là góp phần gia tăng căng thẳng trước thềm đàm phán khi WTO ngày 28-1 quyết định mở cuộc điều tra việc Mỹ áp thuế quan đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO nhất trí thành lập một ban chuyên gia xem xét quyết định áp thuế nêu trên của Tổng thống Trump sau khi Bắc Kinh đệ đơn kiện lên tổ chức này lần thứ hai.
Đại diện Mỹ tại WTO chỉ trích cuộc điều tra là "vô nghĩa" và "đạo đức giả". "Trung Quốc đang hủy hoại Mỹ không chỉ thông qua các hoạt động ép buộc chuyển giao công nghệ mà còn bằng cách áp thuế phân biệt đối xử đối với hơn 100 tỉ USD hàng hóa Mỹ" - đại diện Mỹ nhấn mạnh.
Bình luận (0)