Báo cáo kêu gọi các quốc gia ngừng tài trợ cho hoạt động khai thác và sử dụng nước quá mức thông qua các khoản trợ cấp nông nghiệp. Ngoài ra, các ngành công nghiệp từ khai thác mỏ đến sản xuất phải từ bỏ hành vi gây lãng phí nước.
Cũng theo báo cáo, việc sử dụng quá mức, ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu đang đe dọa đến nguồn cung nước toàn cầu.
Báo cáo trên được công bố trước thềm Hội nghị về nước của Liên Hiệp Quốc (LHQ), dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 24-3 tại Mỹ.
Ông Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Postdam (Đức) và là một trong các tác giả chính của báo cáo, nhấn mạnh: "Bằng chứng khoa học cho thấy khủng hoảng nước đang diễn ra. Chúng ta đang lạm dụng nước, gây ô nhiễm nước và thay đổi toàn bộ chu trình thủy văn toàn cầu thông qua những gì chúng ta làm với khí hậu".
Các tác giả báo cáo đưa ra 7 khuyến nghị chính, trong đó có định hình lại hệ thống quản trị tài nguyên nước toàn cầu, tăng cường đầu tư vào quản lý nước thông qua hợp tác công - tư, định giá nước hợp lý, thiết lập quan hệ đối tác công bằng để huy động tài chính cho dự án nước ở các nước đang phát triển…
Hồ chứa nước Baells khô cạn do hạn hán khắc nghiệt ở vùng Bergueda - Tây Ban Nha hôm 14-3. Ảnh: REUTERS
Một nỗi lo khác về nước được nêu bật trong nghiên cứu mới được Viện Nước, môi trường và sức khỏe (INWEH) thuộc Trường ĐH Liên Hiệp Quốc (Nhật Bản) công bố hôm 16-3. Theo nghiên cứu, thị trường nước đóng chai đã tăng trưởng 73% trong giai đoạn 2010-2020 và mức tiêu thụ đang trên đà tăng từ 350 tỉ lít năm 2021 lên 460 tỉ lít năm 2030.
Ông Ka-veh Madani, Giám đốc INWEH, nhận định sự gia tăng nói trên cho thấy hệ thống cấp nước công cộng không có nhiều tiến triển những thập kỷ qua. Điều này cũng đe dọa đến mục tiêu phát triển bền vững của LHQ là cung cấp nước uống an toàn vào năm 2030.
Một thống kê của LHQ cho thấy 2,2 tỉ người trên thế giới hiện không tiếp cận được nước uống an toàn. Trong khi đó, ngành công nghiệp nước đóng chai đang đe dọa môi trường khi sản xuất tới 600 tỉ chai nhựa, chỉ tính riêng năm 2021.
Bình luận (0)