Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Bắc Kinh đã thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng, với khói và bụi trùng trùng lớp lớp bao phủ toàn bộ 6 tỉnh miền Nam trong những tuần vừa qua. Tổng cộng có 19 thành phố bị xác định vượt chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về mức độ ô nhiễm.
Hôm 25-2, người ta đo được nồng độ hạt vi mô – đủ nhỏ để xâm nhập vào phổi gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng – đạt 505 microgram/m3 trong khi chuẩn an toàn của WHO là 25 microgram/m3. Bên cạnh đó, khói bụi dày đặc che khuất tầm nhìn của máy bay, khiến nhiều tuyến đường phải đóng cửa và làm giảm đáng kể lượng khách du lịch.
Khói bụi dày đặc đe dọa sức khỏe người dân Trung Quốc và các nước láng giềng. Ảnh: Reuters
Giáo sư He Dongxian, Trường ĐH Nông nghiệp Trung Quốc, nói với tờ South China Morning Post: “Nếu tình trạng kể trên vẫn tiếp diễn, chúng ta có thể sẽ trải qua một điều gì đó tương tự như “Mùa đông hạt nhân”.
Bà He còn cho biết thêm một thử nghiệm tại Bắc Kinh gần đây cho thấy quá trình quang hợp của cây xanh đã bị suy giảm đáng kể. Ớt và cà chua phải mất thời gian 20 ngày mới nảy mầm và tới 2 tháng để phát triển thành cây con. Điều này có thể làm sụt giảm sản lượng nông sản, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh tuần rồi chịu sự chỉ trích nặng nề từ các tổ chức môi trường vì không tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Các ngôi trường vẫn mở cửa khiến học sinh ngày ngày bị ảnh hưởng bới khói bụi độc hại, gây hại cho sức khỏe.
Ngồi trong xe hơi, người đàn ông này vẫn phải bịt khẩu trang. Ảnh: Reuters
Hơn nữa, vấn đề ô nhiễm còn lan ra các nước láng giềng. Mới đây, hôm 26-2, các quan chức tỉnh Kumamoto ở tây nam Nhật Bản đã cảnh báo người dân về mức độ ô nhiễm không khí gia tăng đáng kể. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và không tập thể dục ngoài trời.
Bộ trưởng các nước Trung-Nhật-Hàn sẽ có một cuộc họp vào tháng 5 sắp tới để thảo luận giải pháp giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm trong khu vực. Các nước láng giềng chỉ trích Trung Quốc lạm dụng các nhà máy điện sử dụng than, tạo ra nhiều khói và bụi độc hại.
“Mùa đông hạt nhân” là một giả thuyết mà các nhà khoa học Mỹ đưa ra vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Họ cho rằng, sau chiến tranh hạt nhân, thời tiết và khí hậu trái đất sẽ bị tàn phá nghiêm trọng. Đại chiến hạt nhân sẽ làm cho nhiệt độ bề mặt trái đất giảm mạnh. Nhiệt độ dưới 0 độ C sẽ kéo dài liên tục nhiều tháng.
Bình luận (0)