Theo Cơ quan Vệ sinh thủ đô Bắc Kinh, rác thải y tế chứa lượng mầm bệnh lớn gấp 10 lần, thậm chí hàng ngàn lần, rác thải thông thường.
Truyền thông Trung Quốc mới đây dẫn vụ Công an TP Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) khởi tố 3 nghi can liên quan đến đường dây thu mua rác thải y tế để sản xuất đồ chơi hoặc bộ đồ ăn sau 3 tháng theo dõi. Tại hiện trường cuối tháng 8, lực lượng chức năng thu được 13,5 tấn rác thải y tế và theo báo cáo sau đó, trong vòng 4 năm, nhóm này thu mua khoảng 3.000 tấn rác thải loại này. Không chỉ ở tỉnh Giang Tô, theo truyền thông Trung Quốc, những cơ sở chế biến rác thải y tế trái phép bằng phương thức sản xuất thủ công nhiều vô số kể tại các địa phương lân cận như tỉnh Hồ Nam hay Hồ Bắc.
Các cơ sở này thường thu mua lượng rác thải y tế nhỏ lẻ từ nhiều nguồn. Sau một số công đoạn phân loại và làm sạch sơ sài, rác thải sẽ được gia công thành các bán thành phẩm. Tiếp đến, các bán thành phẩm được bán lại cho các nhà máy chế biến nhựa để sản xuất thành đồ chơi trẻ em hay ly chén, phân phối ra thị trường.
Trang tin QQ dẫn lời một chủ cơ sở gia công lậu ở tỉnh Hắc Long Giang thừa nhận các ống hay bình truyền dịch sau khi được thu mua sẽ được tái chế thành đồ đựng thức ăn, ly đựng trà sữa dùng một lần. Bà này tiết lộ việc thu mua, tái chế các lon, chai nhựa thông thường mỗi tháng chỉ kiếm được vài ngàn nhân dân tệ. Trái lại, nếu thu mua, tái chế rác thải y tế, mỗi tháng họ dễ dàng kiếm được từ 30.000-50.000 nhân dân tệ (khoảng từ 98-163 triệu đồng).
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ 11 người bị tình nghi đổ hơn 2.900 tấn rác thải xuống sông Dương Tử, đoạn chảy qua TP Thái Thương thuộc tỉnh Giang Tô hồi đầu tháng 12. Theo Tân Hoa Xã ngày 25-12, số rác thải trên bị đổ xuống sông sau khi 2 công ty được giao nhiệm vụ xử lý rác thải hộ gia đình thuê người bên ngoài làm công việc này. Vụ việc phần nào cho thấy mặc dù nhà chức trách Trung Quốc nỗ lực hạn chế tình trạng gây ô nhiễm cho nguồn nước, đất đai, không khí tại nhiều vùng, khâu giám sát và thực thi pháp luật vẫn chưa hiệu quả.
Một vấn đề khác là sự đô thị hóa nhanh chóng góp phần làm gia tăng lượng chất thải khiến quá trình xử lý gặp khó. Bắc Kinh gần đây công bố kế hoạch cảnh báo sẽ cần chi đến 27,7 tỉ USD để cải thiện khả năng xử lý chất thải trong giai đoạn 2016-2020. Bộ Môi trường Trung Quốc hồi tháng rồi cho biết 246 thành phố quy mô lớn và vừa của nước này thải ra 185 triệu tấn chất thải hộ gia đình và 1,91 tỉ tấn chất thải công nghiệp trong năm ngoái.
Bình luận (0)