“Tất cả mọi loại khí thải gây ô nhiễm không khí của Trung Quốc đều có số lượng lớn nhất thế giới, tạo ra áp lực chưa từng có đối với chất lượng không khí” - ông Vương Tấn Nam, kỹ sư trưởng tại Học viện Hoạch định Môi trường Trung Quốc, cảnh báo tại một diễn đàn về bảo vệ môi trường ở tỉnh Quảng Đông cuối tuần qua. Đặc biệt, theo ông Vương, vùng công nghiệp Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc hiện là một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới.
Du khách đeo khẩu trang do ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh Ảnh: EPA
Ông Vương cho biết Trung Quốc cần đến 1.750 tỉ nhân dân tệ trong năm tới để thực hiện các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm. Dù vậy, sự thiếu hụt về đầu tư vào những lĩnh vực xanh đang gây trở ngại lớn, theo báo Legal Daily. Theo ông Vương, chính phủ trung ương đã cam kết chi khoảng 1,5% GDP nước này cho công tác bảo vệ môi trường nhưng con số thực tế trong mấy năm qua chỉ chiếm khoảng 1% GDP.
Trong khi đó, ông Lôi Văn, quan chức tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, nhấn mạnh Bắc Kinh đã đầu tư nhiều vào công tác bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa thể biến mô hình tăng trưởng của đất nước trở nên xanh, sạch hơn.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tổng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc năm 2011 đã qua mặt Mỹ và đứng đầu thế giới. Dù vậy, sự tuân thủ kém về tiêu chuẩn môi trường tại các nhà máy là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nghiêm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sau nhiều năm tranh cãi, Trung Quốc vừa chính thức áp dụng hệ thống được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí của nước này thông qua việc tăng cường quản lý các cơ sở gây ô nhiễm. Theo hệ thống, cơ quan bảo vệ môi trường địa phương sẽ cấp giấy phép về khí thải cho các nhà máy, theo đó nêu rõ họ được phép thải chất gây ô nhiễm nào và với số lượng bao nhiêu.
Chính sách trên có hiệu lực vào cuối năm nay đối với các nhà máy nhiệt điện than và các công ty sản xuất giấy. Sang năm 2017, chính sách được áp dụng cho 15 ngành công nghiệp lớn thải nhiều chất gây ô nhiễm không khí và nước trước khi mở rộng cho mọi công ty thải chất gây ô nhiễm 3 năm sau đó.
Bình luận (0)