Thực vậy, người Kurd cảnh giác với Mỹ - đồng minh không thể đoán trước - và sẵn sàng thương lượng với Tổng thống Bashar al-Assad hơn bao giờ hết, theo Reuters.
Các nhóm người Kurd lớn nằm trong số ít phe phái giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Syria, đồng thời thiết lập quyền tự trị trên thực tế đối với miền Bắc Syria (hiện dưới quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd đứng đầu (SDF).
Lâu nay họ vẫn tránh xung đột với ông Assad, ngay cả những khi chiến đấu với kẻ thù chung - bao gồm phe nổi dậy mà quân chính phủ đã dần dần dẹp tan với sự giúp đỡ của Nga và Iran.
Trung tướng Mỹ Paul E. Funk (phải) khen thưởng 4 binh sĩ SDF ở Syria hôm 11-7. Ảnh: REUTERS
Người Kurd ở Syria cho biết họ không tìm kiếm sự độc lập nhưng hy vọng đạt được thỏa thuận bảo đảm cho quyền tự trị.
Cuộc đàm phán giữa người Kurd ở Syria và chính quyền Damascus đã khởi sự khi một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Syria được khôi phục - đó là đập Tabqa, được SDF giành lại từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi năm ngoái với sự yểm trợ của không quân Mỹ.
Ngoài ra, một viên chức người Kurd hàng đầu cũng báo hiệu các chiến binh Kurd có thể tham gia bất kỳ cuộc tấn công nào sau này chống lại phe nổi dậy đang chiếm giữ tỉnh Idlib giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và hợp tác rộng rãi hơn chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã cử quân đến mặt trận Tây Bắc Syria.
Hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Assad tuyên bố ông "mở cửa" đàm phán với SDF nhưng cũng đồng thời đe dọa sử dụng vũ lực. Một thỏa thuận đạt được giữa 2 bên có thể giải quyết cuộc xung đột ở hầu khắp Syria.
Thế nhưng, vẫn chưa có dấu hiệu Damascus tiến đến bàn đàm phán và giới phân tích nhận định ông Assad không hề vội vã trong lúc quân đội của ông đã nhanh chóng giành lại lãnh thổ và vị thế của ông đang lớn mạnh.
Với lực lượng dân quân thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đi tiên phong, SDF chiếm giữ khoảng 1/4 lãnh thổ Syria, phần lớn nhất nằm ngoài quyền kiểm soát của chính phủ. Thêm vào đó, khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ được triển khai trong khu vực trải khắp miền Bắc và miền Đông, vốn giàu dầu mỏ, nước và đất nông nghiệp - đòn bẩy quan trọng đối với người Kurd.
Chiến binh người Kurd thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Raqqa - Syria. Ảnh: REUTERS
YPG kết hợp với lực lượng Mỹ cách đây hơn 3 năm và trở thành đối tác chính của Mỹ ở Syria trong cuộc chiến chống IS. Liên minh này tồn tại bất chấp mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO xem YPG là khủng bố có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Trong khi đó, Washington vẫn tránh đưa ra bất kỳ lời hứa hẹn chính trị nào với người Kurd và phản đối tham vọng tự trị của họ.
Về phần mình, người Kurd có thái độ cảnh giác do họ lo ngại Washington có thể dành ưu tiên cho mối quan hệ với Ankara. SDF đã tỏ ra cảnh giác, đặc biệt là sau khi "Mỹ giữ im lặng" trong cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Afrin của người Kurd ở Syria trong năm nay.
Ông Henri Barkey, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Lehigh ở Mỹ, nhận định chính sách của Mỹ đã đẩy các thủ lĩnh lực lượng người Kurd nghiêng về phía chính quyền Damascus.
Bình luận (0)