Theo lực lượng an ninh Ấn Độ, vụ xâm nhập trái phép kể trên diễn ra ngày 22-10. Tàu thuyền Trung Quốc neo đậu tại hồ Pangong dưới sự yểm trợ của bộ binh trên con đường được xây dựng dọc theo bờ hồ.
Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP) đã chặn tàu thuyền Trung Quốc tại đường kiểm soát thực tế (LAC) nằm trong hồ Pangong. Nhóm binh sĩ Trung Quốc cưỡi xe địa hình cố gắng vượt qua LAC trên bộ cũng bị ITBP chặn lại.
Khi quân đội 2 bên đối mặt, họ cùng vẫy biểu ngữ khẳng định chủ quyền vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Cuối cùng, tàu thuyền và binh sĩ Trung Quốc buộc phải rút lui sau khi ITBP kiên quyết không nhượng bộ.
Nguồn tin an ninh Ấn Độ cho biết tại khu vực Finger IV mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc cho xây dựng một hàng rào thép gai ăn sâu vào LAC khoảng 5 km và khẳng định đó là một phần lãnh thổ của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng thường xuyên tuần tra khu vực Bắc và Nam hồ Pangong. Đáp lại, Ấn Độ trang bị tàu thuyền đánh chặn tốc độ cao mua từ Mỹ, có thể chứa gần 15 binh sĩ và được trang bị hệ thống radar, hồng ngoại và GPS để giám sát khu vực do mình quản lý.
Trong một diễn biến liên quan, Sri Lanka vừa cho phép một tàu ngầm và tàu chiến Trung Quốc cập cảng ở thủ đô Colombo, gây quan ngại cho Ấn Độ.
Tàu ngầm Changzheng-2 và chiến hạm Chang Xing Dao cập cảng Sri Lanka ngày 31-10 và sẽ ở lại 5 ngày để tiếp nhiên liệu cũng như dành thời gian cho thủy thủ đoàn Trung Quốc nghỉ ngơi.
Phát ngôn viên hải quân Sri Lanka Kosala Warnakulasuriya thông báo: “Điều này không có gì bất thường. Từ năm 2010, 230 tàu chiến các nước đã cập cảng Colombo trên tinh thần thiện chí và để tiếp nhiên liệu”.
Dù vậy, giới chức Ấn Độ bày tỏ lo ngại về các chuyến thăm dày đặc tới Sri Lanka của Trung Quốc thời gian qua. Thêm vào đó, Bắc Kinh những năm gần đây đầu tư mạnh vào Colombo như tài trợ cho các sân bay, đường bộ, đường sắt và cảng biển nhằm phá rối quan hệ đối tác kinh tế giữa Ấn Độ và đảo quốc 21 triệu dân này.
Bình luận (0)