Một trong 3 kẻ này đã thiệt mạng (tên Ibrahim Abdeslam, 31 tuổi), tên thứ hai bị bắt ở Bỉ sau khi trở về từ Pháp (tên Mohamed), theo nguồn tin của Reuters. Tên đang bị truy đuổi là Salah Abdeslam, 26 tuổi, bị liệt vào hàng “nguy hiểm”. Gã này sinh ở Bỉ nhưng mang quốc tịch Pháp.
Đặc nhiệm Pháp tấn công vào nhà hát đêm 13-11. Nguồn: Daily Mail
Ảnh chân dung của Abdeslam được cảnh sát Pháp công bố tối 15-11. Theo đài truyền hình BFM-TV, Abdeslam đã thuê chiếc xe Polo màu đen ở Bỉ để sử dụng trong các vụ tấn công ở Paris tối 13-11. Reuters cho hay cảnh sát Bỉ để lọt tên này dù đã chặn hắn ở biên giới Pháp – Bỉ sáng 14-11.
Salah đã thuê một chiếc xe Volkswagen Polo, đỗ bên ngoài nhà hát Bataclan. Chiếc xe được bỏ lại tại hiện trường sau vụ tấn công. Vài giờ sau đó, hắn là một trong ba kẻ lái xe qua biên giới Pháp - Bỉ, cách Paris khoảng 193 km vào sáng 14-11. Hắn được cho đi sau khi cảnh sát kiểm tra giấy tờ và hỏi han vài câu.
Ngoài ra, cảnh sát Pháp nhận dạng thêm 2 người Pháp đã tự kích nổ đai chứa bom tối 13-11, đó là Bilal Hadfi và Ibrahim Abdeslam (anh của Salah Abdeslam), theo báo chí nước này. Hai kẻ này sống ở Bỉ, tuổi 20 và 31. Chúng đánh bom tự sát gần sân Stade de France và một quán bar ở quận 11 thuộc Paris. Trước đó, kẻ tấn công đầu tiên bị nhận dạng là Ismael Omar Mostefai, 29 tuổi, sống ở phía Tây Nam Paris. Hắn là kẻ nổ bom trong nhà hát Bataclan. Cả 3 tên này bị nhận dạng thông qua vân tay.
Có 3 nhóm tấn công Paris đêm 13-11, bao gồm 3 kẻ đánh bom tự sát gần sân Stade de France, 3 kẻ xả súng ở nhà hát Bataclan (2 kẻ sau đó tự nổ bom) và một số lượng chưa rõ tay súng bắn giết tại các nhà hàng ở 3 quận trung tâm Paris.
Giới chức Pháp ban đầu cho biết có 8 kẻ tấn công thiệt mạng nhưng hôm 15-11 cho biết chỉ có 7, trong đó 6 tên tự kích hoạt thuốc nổ và 1 tên bị cảnh sát bắn hạ. Họ cho biết đang truy tìm kẻ tấn công thứ tám nhưng không rõ có phải Salah Abdeslam hay không.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố các cuộc tấn công ở Paris đã được chuẩn bị ở nước ngoài, đặc biệt là tại Bỉ. Cùng ngày 15-11, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon đã tới Pháp gặp người đồng cấp Cazeneuve và nhất trí phối hợp triệt phá các mạng lưới thánh chiến.
Theo thông cáo của Viện Công tố liên bang Bỉ, 2 trong số những kẻ tấn công ở Paris sống tại Bỉ và đều đã thiệt mạng. Cảnh sát Bỉ tiếp tục chiến dịch lục soát tối 15-11 tại quận Brussels sau khi bắt giữ 7 người tại quận Molenbeek tối trước đó. Molenbeek được xem là thiên đường của những kẻ thánh chiến.
Ngoài ra, 3 ô tô mang biển kiểm soát của Bỉ cũng liên quan đến các vụ tấn công: một chiếc Seat màu đen được tìm thấy gần công viên Père-Lachaise ở thủ đô Paris. Chiếc thứ hai là chiếc Polo màu xám đậu trước cửa nhà hát Bataclan và chính trong chiếc xe này có vé đỗ xe tại Molenbeek-Sain-Jean. Chiếc thứ ba là Golf màu xám bị thu giữ trong cuộc lục soát tối 14-11 ở quận Brussels. Chiếc xe này được 3 đối tượng sử dụng để đi từ Pháp về Bỉ. Cảnh sát lần ra manh mối mạng lưới tấn công chính từ số xe này.
Trong khi đó, Đại sứ Ai Cập tại Pháp Ihab Badawi ngày 15-11 cho biết cuốn hộ chiếu Ai Cập được tìm thấy gần một thi thể gần sân vận động Stade de France thuộc về Waleed Abdel-Razzak, 27 tuổi. Tuy nhiên, anh này không phải nghi phạm đánh bom. Abdel-Razzak đến Pháp 2 tuần trước cùng với mẹ để tìm nơi trị bệnh ung thư cho anh trai. Anh bị thương rất nặng khi đang xếp hàng mua vé gần sân vận động.
Về tấm hộ chiếu Syria tìm thấy gần sân Stade de France, nhà chức trách Hy Lạp xác định người trong hộ chiếu là Ahmad Almohammad, 25 tuổi, đến từ TP Idlib của Syria. Người này đến đảo Leros của Hy Lạp hôm 3-10 qua, sau đó đi sâu vào châu Âu. Pháp chưa phản hồi thông tin của Hy Lạp song Athens tin chủ nhân hộ chiếu là một trong những kẻ tấn công. Thông tin này lại làm dấy lên làn sóng phản đối dân nhập cư tại châu Âu.
Số nạn nhân trong các vụ khủng bố ở Pháp đã tăng lên 132 người, sau khi có thêm 3 người thiệt mạng vì bị thương nặng hôm 15-11. Khoảng 103 người đã được nhận diện, bao gồm nhiều người trẻ tuổi và nước ngoài.
Báo chí Đức đưa tin Tổng thống Pháp Francois Hollande muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp hiện nay khoảng 3 tháng. Tại Pháp, ngày 15-11, cảnh sát mang theo súng đã tiến hành các đợt tuần tiễu trên các con phố. Trên 10.000 binh sĩ đã được huy động.
Tại Ý, 700 binh lính được huy động để bảo vệ các mục tiêu nhạy cảm ở thủ đô Rome cũng như Tòa thánh, khi mà chỉ còn 3 tuần nữa sẽ bước vào Năm thánh đặc biệt do Vatican tổ chức. Sự kiện dự kiến bắt đầu vào ngày 8-12 tới có thể thu hút hơn 20 triệu người từ khắp nơi trên thế giới về Rome.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ Ý cũng sẽ huy động hơn 1.000 cảnh sát để canh gác và tuần tra ở các địa điểm nhạy cảm tại Rome.
Theo hãng tin ANSA, Ý và Vatican đã tăng cường kiểm soát và tuần tra các tuyến đường dẫn tới Tòa thánh. Hoạt động kiểm tra túi xách, ba lô, hành lý của những người vào quảng trường Saint Peter của Vatican đã được thắt chặt từ hôm 15-11, với việc lắp đặt thêm một loạt máy kiểm tra kim loại.
Khoảnh khắc ban nhạc Eagles of Death Metal (Mỹ) biểu diễn
thì bị gián đoạn bởi vụ xả súng. Nguồn: Daily Mail
Bình luận (0)