Đầu tuần này, ông nói sẽ không cho phép quân đội Philippines tuần tra chung với nước ngoài, như Mỹ hoặc Trung Quốc, tại các vùng tranh chấp trên biển Đông. Chưa hết, ông tuyên bố xem xét mua thiết bị quốc phòng của Nga và Trung Quốc. Những phát biểu liên tiếp này cho thấy mối quan hệ Philippines - Mỹ đang ngày càng gập ghềnh trong khi Tổng thống Duterte không che giấu khuynh hướng làm lành với Trung Quốc.
Đó chỉ là bề mặt! Theo nhiều chuyên gia, tuy gây nhiều tranh cãi với kiểu nói chuyện ồn ào nhưng vị tân tổng thống 71 tuổi này không phải là tay mơ. Báo The Straits Times (Singapore) nhận xét: “Dù trải qua nhiều năm làm thị trưởng ở một tỉnh xa xôi và thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại cũng như quan hệ chiến lược song ông Duterte đang học hỏi. Ông sẽ nhận ra tầm quan trọng của những quyết sách đối ngoại phục vụ lợi ích quốc gia”. Nếu đúng như vậy thì theo báo Nikkei (Nhật Bản), mục tiêu tối thượng của Tổng thống Duterte là giữ cân bằng giữa 2 siêu cường Mỹ - Trung để đạt lợi ích tốt nhất cho nước nhà.
Ông Duterte luôn hy vọng thu hút được hàng tỉ USD đầu tư của Trung Quốc vào Philippines. Nhưng tháng trước, ông nhấn mạnh “sẽ có đổ máu nếu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Philippines”. Theo The Straits Times, Trung Quốc có thể ra điều kiện buộc Philippines giữ khoảng cách trong quan hệ quốc phòng với Mỹ để đối lấy một thỏa thuận nào đó. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng sẽ khó xảy ra kịch bản Philippines “buông” Mỹ.
Lấy ví dụ chuyện ông Duterte nói muốn mua vũ khí Trung Quốc. “Ông ấy chỉ tung hứng qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi nghĩ ý định thực sự của ông Duterte là có được các thương vụ vũ khí tốt hơn với Mỹ” - ông Oh Ei-sun, chuyên gia của Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam (Singapore), nói với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông). Theo ông Oh, ông Duterte “nặng lời” với Mỹ hơn bởi biết Washington đang xem Manila là cột trụ quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á. Trong khi Mỹ phản ứng kiềm chế trước ông Duterte thì Trung Quốc sẽ không “lịch sự” như vậy.
Tương tự, ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc, cho rằng Tổng thống Duterte chỉ đang mặc cả với Mỹ: “Hiệp ước Quốc phòng song phương giữa Mỹ và Philippines đã được Tòa án Tối cao Philippines thông qua. Vài lời của ông Duterte không thể thay đổi được mối quan hệ quân sự sâu sắc này”. Hơn nữa, theo ông Wu, Trung Quốc có thể không bán vũ khí cho Philippines để tránh viễn cảnh mất mặt là bị Philippines dùng chính vũ khí đó chống lại mình.
Một điểm đáng lưu ý khác được chuyên gia Oh Ei-sun chỉ ra về tính nghiêm túc và thực tế trong những phát biểu “đao to búa lớn” gần như tuôn ra hằng ngày của ông Duterte: Chúng được các quan chức Philippines giảm nhẹ hoặc giải thích lại không lâu sau đó. Chẳng hạn, sau khi Tổng thống Duterte đòi “đuổi” quân Mỹ, phía Nhà Trắng nói chẳng hề nhận được yêu cầu chính thức nào trong khi quân đội Philippines vừa xoa dịu “tổng thống chỉ muốn bảo đảm an toàn cho quân Mỹ”, vừa cam đoan quan hệ quốc phòng giữa 2 nước vô cùng vững chắc.
Theo The Straits Times, đúng là quân đội Mỹ xem trọng các căn cứ tại Philippines vì các căn cứ ở Nhật và Guam quá xa Đông Nam Á. Thế nhưng, không vì vậy mà Manila đủ dũng khí hay sức mạnh để rời xa Mỹ, theo nhà quan sát quân sự Zhou Chenming. Không có Mỹ hậu thuẫn, Philippines làm sao đọ nổi với một Trung Quốc đang phát triển quân sự mạnh mẽ và có GDP 10.000 tỉ USD (GDP của Philippines chỉ khoảng 300 tỉ USD)?
Bình luận (0)