Theo lệnh ông Berlusconi, 5 bộ trưởng của PDL đã nộp đơn từ chức để phản đối việc Thượng viện bỏ phiếu loại cựu thủ tướng ra khỏi quốc hội vì dính án tù do gian lận thuế. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, ít nhất 3 trong số 5 người trên nói họ miễn cưỡng làm vậy vì chính ông Berlusconi đã chọn họ vào các vị trí này trước đó.
Sự cầm quyền lâu dài của ông Berlusconi đối với phong trào trung hữu thậm chí còn bị thách thức hơn nữa khi 3 vị cựu bộ trưởng ám chỉ họ có thể giúp Thủ tướng Enrico Letta trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trước quốc hội để duy trì chính phủ non trẻ mới 5 tháng.
Ông Berlusconi bất ngờ vấp phải rào cản từ "đội nhà". Ảnh: AP
“Tôi hoàn toàn hiểu ông Berlusconi muốn gì, song tôi không thể chia sẻ chiến lược đó” –Bộ trưởng Y tế Beatrice Lorenzin nói. Một trợ lý thân cận khác của ông Berlusconi là Bộ trưởng Cải cách Gaetano Quagliariello bày tỏ ông sẽ “làm theo lương tâm mách bảo” trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn Bộ trưởng Giao thông Maurizio Lupi tuyên bố: “Chúng tôi muốn ở lại với ông Berlusconi nhưng không phải với các cố vấn kém cỏi của ông ấy".
Có lẽ động thái “tạo phản” này đã làm mềm giọng điệu của tỉ phú truyền thông. Trong cuộc gọi điện đến các nhân vật cấp cao của PDL ngày 29-9, ông Berlusconi kêu gọi “bầu cử càng sớm càng tốt” với cam kết “chúng ta sẽ thắng”. Nhưng vài giờ sau, ông tuyên bố trên mạng rằng sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ liên minh với điều kiện phải thông qua các giải pháp kinh tế theo quan điểm của PDL.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Letta, quốc hội Ý sẽ bỏ phiếu tín nhiệm về sự tồn tại của nội các hiện nay vào ngày 2-10 tới. Theo đài BBC, rõ ràng ông Letta vẫn đặt niềm tin vào đảng Dân chủ (PD) trung tả của ông sẽ giành được đủ sự ủng hộ tại quốc hội.
Thủ tướng Letta vẫn tin vào thế đa số của đảng Dân chủ (PD) trong quốc hội. Ảnh: Reuters
Tổng thống Giorgio Napolitano đã chọn ông Letta dẫn đầu một liên minh cầm quyền bất thường với thành phần từ tả sang hữu sau 2 tháng bế tắc chính trị bất chấp cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 2 vừa qua. Ngày 29-9, ông Napolitano nói sẽ chỉ tiến hành bầu cử nếu chính phủ của ông Letta thực sự sụp đổ và các thủ lĩnh chính trị không xây dựng được một liên minh cầm quyền khác.
Bình luận (0)