5 bộ trưởng là người của Đảng PDL do ông Berlusconi đứng đầu đã nộp đơn từ chức ngày 28-9. Đây là động thái đáp trả sau khi Thủ tướng Letta kêu gọi các thành viên của PDL ủng hộ ông trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội một ngày trước đó.
Cuối ngày 27-9, chính phủ Ý đã không đạt được các giải pháp tài chính quan trọng để đưa thâm hụt tài chính về trong giới hạn của Liên minh châu Âu (EU), khiến liên minh cầm quyền lỏng lẻo trượt đến chỗ gần như tan rã.
Cựu Thủ tướng Berlusconi vẫn là bậc thầy thao túng chính trường Ý. Ảnh: Reuters
Việc 5 bộ trưởng theo phe ông Berlusconi từ chức sẽ trì hoãn các biện pháp cải cách nhằm cứu nước Ý khỏi 2 năm suy thoái, 1 thập kỷ kinh tế hôn mê, 2.000 tỉ USD nợ công và tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ vào khoảng 40%.
Giờ đây, Thủ tướng Letta phải khởi động các cuộc đàm phán để gầy dựng lại thế đa số ở quốc hội. Có như vậy, ông và Đảng Dân chủ (PD) của mình mới đủ cơ sở thành lập một chính phủ mới mà không phải đối mặt với một cuộc bầu cử khác. Cuộc bầu cử quốc hội mới nhất diễn ra ở Ý chỉ mới 7 tháng trước.
Ông Letta đã có sẵn thế đa số cầm quyền ở hạ viện. Nếu giành thêm được sự ủng hộ ở thượng viện – từ các nghị sĩ PDL hoặc các đảng đối lập như Phong trào 5 sao – thì ông có thể lập được nội các mới.
Tổng thống Ý Giorgio Napolitano ngày 28-9 đã lặp lại tín hiệu ông không muốn cả nước lại lục tục đi bỏ phiếu. “Chúng ta cần một quốc hội thảo luận và làm việc chứ không phải hở chút là tan rã. Chúng ta không cần các chiến dịch tranh cử liên miên mà cần chính phủ liên tiếp hành động để giải quyết các vấn đề của đất nước” - ông Napolitano phát biểu trong chuyến thăm Naples.
Chính trường Ý chao đảo khiến các nhà đầu tư ngày càng lo lắng. Dù vậy, nhờ có sự hậu thuẫn của Ngân hàng Trung tâm châu Âu (ECB), thị trường Ý có thể sẽ không quá khủng hoảng như trước.
Bình luận (0)