“Mẹ ơi, con yêu mẹ. Kẻ xả súng đang đến. Con sẽ chết”. Đó là nội dung những dòng tin nhắn cuối cùng mà anh Eddie Justice gửi đến mẹ trước khi thiệt mạng trong vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử Mỹ tại TP Orlando, bang Florida hôm 12-6.
Trăng trối bằng điện thoại
Nhân viên kế toán 30 tuổi này đã kịp gửi đi những thông điệp trên đến người thân trong lúc ẩn nấp trong nhà vệ sinh hộp đêm Pulse trước khi mất mạng cùng 48 người khác trong vụ xả súng. “Gia đình được an ủi phần nào khi mẹ tôi có cơ hội nói chuyện với anh Eddie lần cuối. Một số gia đình khác đã không kịp nói lời chia tay với người thân là nạn nhân trong vụ thảm sát” - cô Lakitra Justice, em gái Eddie, nói với báo The Washington Post.
Những tin nhắn Justice gửi đến mẹ được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng giữa lúc dư luận đang tìm hiểu xem tại sao Omar Mateen, 29 tuổi, lại vào một hộp đêm cho người đồng tính và xả súng bắn chết 49 người, làm 53 người bị thương trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
Trong những thập niên trước, hiếm có ai đứng trước lưỡi hái tử thần có cơ hội nói lời cuối cùng với người thân. Họ thường để lại lời trăng trối bằng cách viết lên tờ giấy, bức tường hoặc bất kỳ thứ gì có thể. Chẳng hạn, trong những phút cuối cùng trước khi xảy ra thảm họa rơi máy bay của hãng hàng không Japan Airlines ở Nhật Bản năm 1985 khiến 520 người thiệt mạng, một hành khách viết lại dòng chữ trong hoảng sợ: “Tôi sợ hãi. Hãy giúp tôi. Tôi không muốn chết”. Một hành khách khác bình tĩnh và lạc quan hơn đôi chút khi để lại thông điệp: “Tôi mãn nguyện vì đã tận hưởng được một cuộc sống thật sự hạnh phúc”.
Dĩ nhiên là chỉ sau khi tác giả những dòng chữ này qua đời, chúng mới đến được tay người thân họ. Sự tiến bộ của công nghệ đã thay đổi điều này. Giờ đây, trong túi chúng ta là những thiết bị nhỏ gọn cho phép kết nối nhanh chóng với bất kỳ ai trên thế giới. Đặc biệt, trong thời khắc có thể là cuối cùng của cuộc đời, chúng ta có thể dùng nó để gọi điện cầu cứu hoặc gửi tin nhắn yêu thương đến người thân. Những thông điệp để lại này hoặc đôi lúc là những nội dung được đăng tải trên mạng xã hội giúp người đọc phần nào cảm nhận được nỗi sợ hãi xen lẫn sự bất lực của người gửi khi cận kề cái chết.
Thông điệp yêu thương
Trong sự kiện khủng bố 11-9-2001, những phương thức liên lạc hiện đại đã đóng vai trò cầu nối giữa nạn nhân và người thân ngay trước khi thảm kịch xảy ra. “Con nghĩ là chiếc máy bay đã bị khống chế. Một tiếp viên bị đâm và những người ngồi phía trước có thể đã bị giết. Máy bay chuyển động bất thường” - Peter Hanson, hành khách trên chuyến bay 175 của hãng United Airlines, nói chuyện qua điện thoại với cha mình. Trong khi đó, ông Brian Sweeney, một hành khách khác, đã để lại tin nhắn yêu thương cho người vợ: “Nếu mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ, anh muốn em biết một điều rằng anh rất yêu em”.
Các cuộc gọi, tin nhắn thoại của những hành khách đi chuyến bay 175 đã được phát trên bản tin, chia sẻ trên mạng và xuất hiện trong những bộ phim sau đó. Bà Maureen Keeley, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Trường ĐH bang Texas (Mỹ), nhận định những nội dung này cho phép thế giới chứng kiến giây phút cuối cùng của các nạn nhân cũng như nắm được điều họ muốn làm nhất khi biết mình sắp chết. Nghiên cứu những lời trăng trối trong 16 năm qua, bà Keeley ghi nhận được những xu hướng chung bất chấp sự khác biệt về hoàn cảnh và văn hóa. Việc đối mặt “thần chết” thôi thúc mạnh mẽ con người giao tiếp để giải quyết bất đồng, gửi lời yêu thương đến người thân hoặc chia sẻ suy nghĩ về tín ngưỡng… Tuy nhiên, trong giây phút khẩn cấp và sợ hãi nhất, những thông điệp cuối cùng thường chỉ tập trung vào một chủ đề: tình yêu.
Bằng cách này, theo bà Keeley, công nghệ đã cho chúng ta cơ hội trò chuyện với người thân trong những những tình huống khẩn cấp. “Chúng ta không thể kiểm soát được biến cố nhưng lại có thể liên lạc với người thân, ít nhất là nói lời tạm biệt và yêu thương” - bà nhận định.
Bình luận (0)