Tướng Mỹ John Nicholson đang lặp lại những sai lầm nguy hiểm trong quá khứ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Nicholson đã lặp lại câu thần chú của những người tiền nhiệm, rằng chiến lược quân sự mới của Mỹ - trong đó có việc tăng cường sức mạnh không lực và số lượng lính Mỹ đào tạo lực lượng Afghanistan - về cơ bản đã làm thay đổi tình hình ở quốc gia Nam Á này. Ông Nicholson, hiện là Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Afghanistan kiêm chỉ huy sứ mệnh "Hỗ trợ Kiên quyết" của NATO kể từ tháng 3-2016, lẽ ra nên hiểu rõ hơn tình hình hiện tại.
Vào năm 2014, người tiền nhiệm của ông Nicholson, tướng John Campbell, nói rằng ông cũng "nhìn thấy sự thay đổi". Còn tướng Joseph F. Dunford đã nhắc đến "sự thành công khó tránh của chúng ta" vào năm 2013. Người tiền nhiệm của ông Dunford, tướng John Allen, tuyên bố: "Chúng ta đang chiến thắng".
Vào năm 2011, tướng David Petraeus khẳng định các lực lượng Mỹ đã "làm đảo ngược đà tiến của Taliban". Tướng Stanley A. McChrystal vào năm 2010 nghĩ rằng "thành công có thể vẫn đạt được", trong khi tướng David McKiernan vào năm 2009 nhận thấy Mỹ "không thua ở Afghanistan". "Câu thần chú" đó không ngừng được nhắc đến kể từ khi liên quân do Mỹ dẫn đầu hất cẳng Taliban khỏi chiếc ghế quyền lực vào năm 2001.
Các chỉ huy quân sự Mỹ có thể đã hiểu rõ hơn về những gì đang thực sự xảy ra nếu họ dành nhiều thời gian hơn để thăm các cơ sở y tế dân sự, như Bệnh viện Khu vực Nangarhar. Tại đây, một cậu bé 15 tuổi phải cắt bỏ cả 2 chân sau khi trực thăng của quân đội Afghanistan tấn công chiếc xe chở gia đình em, lúc đó đang trên đường tới tham dự đám tang. Hậu quả là người dì của em thiệt mạng và 3 người bị thương.
Binh sĩ Mỹ trên một chiếc trực thăng CH-47F Chinook tham gia huấn luyện ở Afghanistan ngày 14-3 Ảnh: REUTERS
Những tuyên bố không ngừng về "một chiến thắng trong ngày mai" còn được hậu thuẫn bởi một câu nói cửa miệng được dùng để giảm nhẹ sự kỳ vọng: "Afghanistan không phải là Thụy Sĩ". Các chỉ huy quân sự nước ngoài và giới chức Washington đã sử dụng 1 trong 2 phiên bản trên trong nhiều năm qua. Ông John Bolton - hiện là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - từng đưa ra so sánh trên hồi năm 2010 để biện minh cho việc lực lượng Mỹ hợp tác chặt chẽ với các lãnh chúa ở Afghanistan.
Tướng Petraeus cũng nói Mỹ không cố gắng biến Afghanistan thành Thụy Sĩ mà chỉ cần điều gì đó đủ tốt cho Afghanistan. Và đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Afghanistan Staffan de Mistura bình luận về triển vọng của một cuộc bầu cử đáng tin cậy vào năm 2010 ở quốc gia này theo sau cuộc bỏ phiếu gây lùm xùm vào năm 2009: "Đây sẽ không phải là các cuộc bầu cử tại Thụy Sĩ mà ở Afghanistan".
Có một thực tế bị quên lãng là cuộc chiến ở Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của 28.291 dân thường và làm bị thương 52.366 người khác kể từ năm 2009. LHQ lưu ý rằng đây chỉ mới là con số thương vong mà họ có thể xác nhận nên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Taliban và các nhóm nổi dậy khác chịu trách nhiệm cho khoảng 70% số người thiệt mạng và bị thương này. Phần còn lại do lực lượng chính phủ Afghanistan và quốc tế gây ra.
Tuy nhiên, những con số trên không đại diện cho toàn bộ câu chuyện. Không ít cư dân ở thủ đô Kabul sống với nỗi lo thường trực rằng người thân của mình sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của các vụ tấn công tự sát. Nhiều người mô tả nỗi kinh hoàng khi phải tìm kiếm người nhà tại bệnh viện và nhà xác sau các vụ đánh bom. Tương tự, người dân ở những vùng nông thôn bày tỏ nỗi lo về những cuộc không kích và tự hỏi tại sao không ai thấy có phụ nữ và trẻ em bên dưới trước khi ra tay. Một phong trào phản đối mới đang xuất hiện, kêu gọi tất cả các bên ngừng hành động giết người.
Các quan chức Mỹ nêu bật một số thành công, chẳng hạn như vụ giết tên Qari Hakmat - một chỉ huy Taliban chạy sang gia nhập hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Bắc Afghanistan. Nhưng sự leo thang chiến dịch không kích của Mỹ không giúp Afghanistan thoát khỏi các nhóm liên quan đến IS hoặc thuyết phục Taliban hòa giải. Thay vào đó, nó chỉ thúc đẩy các vụ tấn công trả đũa kiểu ăn miếng trả miếng của quân nổi dậy mà các khu đô thị là mục tiêu hàng đầu. Đây là điều các quan chức Mỹ đã thừa nhận.
Giới chức Mỹ cam kết xem xét nghiêm túc mọi cáo buộc liên quan đến thương vong của dân thường nhưng các nhà điều tra quân đội Mỹ hiếm khi nói chuyện với nhân chứng của các vụ không kích. Nếu làm thế, các tướng Mỹ chỉ huy ở Afghanistan có thể hiểu rõ hơn lý do dân thường đang chết. Tướng Nicholson sẽ trở nên đáng tin hơn trong mắt dân thường Afghanistan nếu ông ta chấm dứt sự bắt tay giữa lực lượng Mỹ với những cảnh sát biến chất, lực lượng dân quân và lãnh chúa; khôi phục và cải thiện các biện pháp giúp giảm thương vong dân thường; bảo đảm bồi thường và sự giải trình hợp lý khi xảy ra thương vong như vậy. Đó sẽ là một sự thay đổi thật sự mà người dân Afghanistan chào đón.
Bình luận (0)