xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chặn đứng "tiền máu"

XUÂN MAI

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thông qua đạo luật cho phép điều tra tội phạm động vật hoang dã như tội phạm rửa tiền

Như trong hầu hết vụ án tương tự trước đây ở Thái Lan, kẻ buôn lậu sừng tê giác Chumlong Lemtongthai bị kết án sẽ khép lại vụ việc ở đây.

Thay đổi chiến thuật

Lần này, các nhà điều tra đã có động thái hiếm hoi là theo dõi dòng tiền đứng sau hoạt động buôn lậu ở Nam Phi. Kết quả là tòa án đã ra lệnh tịch thu các tài khoản ngân hàng ở Thái Lan và các tài sản khác của Chumlong, trong đó có một ngôi nhà trị giá 142.000 USD.

Đó là một trong số ngày càng nhiều trường hợp cho thấy các quốc gia đang thay đổi chiến thuật trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã toàn cầu - một thị trường ước tính có giá trị lên đến 23 tỉ USD - sau nhiều thập kỷ trấn áp ít hiệu quả.

Theo ông Steve Galster, người sáng lập Quỹ Chống buôn lậu Freeland (Thái Lan), ý tưởng này nhằm đánh vào túi tiền những kẻ buôn lậu động vật hoang dã và đóng băng hoạt động của chúng. Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng rồi cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới thông qua đạo luật cho phép điều tra tội phạm động vật hoang dã như tội phạm rửa tiền.

Bước đi này cho phép cơ quan thực thi pháp luật sử dụng những biện pháp như tịch thu tài sản, giám sát giao dịch tài chính, cảnh báo những tài khoản hoặc cá nhân khả nghi.

Chặn đứng tiền máu - Ảnh 1.

Số sừng tê giác bị thu giữ được trưng ra tại một cuộc họp báo ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok - Thái Lan hồi tháng 3 Ảnh: REUTERS

Một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh) gọi đó là nỗ lực "cấp bách" bởi "sự tiến hóa" nhanh chóng của tội phạm động vật hoang dã. Báo cáo này nhận định các cơ quan chống loại tội phạm này cần tiến hành điều tra tài chính sau mỗi lần phá án để phanh phui những mạng lưới rộng lớn hơn cũng như những khoản tiền bất chính có thể bị đóng băng hoặc tịch thu.

"Chúng ta đã quá chậm trễ trong việc nhìn nhận tội phạm động vật hoang dã là loại tội phạm tổ chức xuyên quốc gia nguy hiểm" - bà Cathy Haenlein, một trong những tác giả của báo cáo, đánh giá.

Nạn buôn lậu đã tăng lên trong những năm gần đây, tỉ lệ thuận với đà tăng thu nhập của người dân châu Á. Theo AP, hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, tê tê sống, vảy tê tê... bị thu giữ ở một số nước Đông Nam Á vài tháng qua. Trong khi đó, nhà chức trách Hồng Kông vừa thu giữ lượng ngà voi lớn nhất trong 3 thập kỷ, ước tính trị giá gần 10 triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết nghi phạm bị bắt giữ chỉ là kẻ buôn lậu "cò con".

Vẫn còn trở ngại

Bọn buôn lậu thu lợi từ việc sử dụng tiền ảo để giao dịch hoặc dự trữ các bộ phận động vật có độ bền cao như vảy tê tê hay ngà voi nhằm kiểm soát thị trường. Việc tập trung điều tra các mối liên hệ giữa bọn săn bắt trộm, buôn lậu và những kẻ tài trợ cho hoạt động bất hợp pháp này có khả năng thay đổi cục diện.

Gần đây, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) cho biết đang theo dõi những tên buôn lậu khét tiếng tìm cách đưa động vật hoang dã từ châu Phi đến châu Á. Cơ quan này dựa vào sự giúp đỡ của các đơn vị chống tội phạm tham nhũng và pháp y kỹ thuật số để lấy dữ liệu từ những thiết bị điện tử bị tịch thu.

"Xung quanh một vụ bắt giữ nhiều hàng lậu thường có những dữ liệu đáng chú ý. Tiền phải được chuyển đến một nơi nào đó để thuê container chứa hàng buôn lậu" - ông Julian Newman thuộc tổ chức phi chính phủ có tên là Cơ quan Điều tra môi trường (EIA, trụ sở ở Anh) cho biết. Ông Newman cho rằng chỉ bằng cách theo dõi dòng tiền, các nhà điều tra sẽ lần ra những kẻ chủ mưu.

Theo một báo cáo hồi tháng 7 của Tổ chức Chống rửa tiền châu Á - Thái Bình Dương và Văn phòng Chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia vẫn chưa hành động đủ nhanh trong việc lần theo những manh mối tài chính. Báo cáo cho thấy chỉ có hơn 10 chính phủ (trong số 45 chính phủ được khảo sát) sử dụng những biện pháp điều tra tài chính, tịch thu tài sản hoặc theo đuổi cáo buộc rửa tiền trong những vụ án về động vật hoang dã. Một phần lý do của sự chậm trễ này là thiếu tiền hoặc quyết tâm chính trị.

Các chuyên gia tin rằng tịch thu tài sản có thể khiến bọn tội phạm hết dám "ngựa quen đường cũ". Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để biện pháp này phát huy hiệu quả. Ba năm trước, nhà chức trách Thái Lan đã đóng băng số tài sản trị giá 37 triệu USD liên quan đến một đường dây buôn lậu cọp ở miền Đông Bắc nước này theo sau cuộc điều tra được sự hỗ trợ của Freeland. Tuy nhiên, kẻ bị cáo buộc cầm đầu đường dây này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và vụ án bị đình trệ.

Trong khi đó, trường hợp của Chumlong nói trên - thành viên của một băng buôn lậu ở Đông Nam Á có tên gọi mạng lưới Xaysavang - được xem là một thắng lợi nhỏ hiếm hoi nhưng vụ việc cũng chưa kết thúc.

Chumlung lãnh án tù vào năm 2012 sau khi bị kết tội tổ chức săn bắt động vật hoang dã trái phép ở Nam Phi. Tên này đã thuê gái bán dâm đóng giả người đi săn và tổ chức các chuyến săn bắn giả, giết chết 26 con tê giác. Sau đó, giấy tờ hải quan cũng bị làm giả với mục đích vận chuyển số sừng tê giác này đến Lào.

Quyết định "tấn công" tài sản của Chumlung được đưa ra vào năm 2016. Dù vậy, tên Vixay Keosavang, một người Lào bị xem là trùm mạng lưới Xaysavang, vẫn đang bị truy nã với số tiền thưởng lên đến 1 triệu USD. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo