Trong số báo mới nhất, Charlie Hebdo vẽ hình cậu bé Aylan nằm úp mặt xuống bãi cát kèm theo dòng chú thích: “So Close to Goal” (tạm dịch: Rất gần mục tiêu). Trên đầu bé trai 3 tuổi, tạp chí Pháp để một biển quảng cáo của tập đoàn đồ ăn nhanh McDonald’s: “Two children’s menus for the price of one” (Thực đơn dành cho 2 đứa trẻ nhưng chỉ tính tiền 1 người).
Một bức biếm họa khác chế nhạo tôn giáo của cậu bé Aylan: “Proof that Europe is Christian” (Bằng chứng cho thấy châu Âu là miền đất của Ki-tô giáo). Bức biếm họa bao gồm hình ảnh một người giống như chúa Jesus bên cạnh dòng chữ “Giáo đồ đạo Ki-tô đi trên mặt nước” và một đứa trẻ cắm đầu xuống biển với dòng chữ “Trẻ em Hồi giáo thì chìm nghỉm”.
Loạt tranh mới nhất của Charlie Hebdo được xuất bản khoảng 8 tháng sau khi tòa soạn tạp chí này ở Paris – Pháp bị tấn công khủng bố, khiến 12 người thiệt mạng. Nguyên nhân là Charlie Hebdo "nhạo báng nhà tiên tri Mohammed" trong các bức biếm họa.
Sự kiện nói trên nhận được sự cảm thông của hàng triệu người trên thế giới. Khẩu hiệu “Tôi là Charlie” lúc đó được xem như câu nói đại diện cho quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, lần này, loạt tranh của tờ tạp chí Pháp đã khiến dư luận phẫn nộ vì đi quá giới hạn. Luật sư Peter Herber - Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Da màu (SBL), trước là phó Chủ tịch Văn phòng cảnh sát Metropolitan (MPA) của Anh - chỉ trích ấn phẩm mới nhất của Charlie Hebdo “hoàn toàn mang tính phân biệt chủng tộc, bài ngoại và đại diện cho sự phân rã đạo đức của nước Pháp”.
Ông Herbert nói thêm SBL sẽ xem xét đưa trường hợp này ra Tòa Hình sự Quốc tế (ICC).
Cũng có ý kiến bênh vực cho rằng Charlie Hebdo thông qua biếm họa
để phê phán cách châu Âu ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư. Ảnh: Twitter
Tác giả các bức biếm họa là họa sĩ Laurent "Riss" Sourisseau. Người này sống sót sau vụ tấn công hồi tháng 1 dù trúng đạn ở vai và hiện trở thành quyền tổng biên tập của tạp chí. Người sáng lập tổ chức nghiên cứu Quilliam, Maajid Nawaz, lên tiếng bảo vệ ý tưởng của họa sĩ Sourisseau.
“Biếm họa là một bản cáo trạng lên án quan điểm chống người tị nạn của chúng ta. Hình ảnh của McDonald's là sự phê phán chủ nghĩa tiêu dùng ở châu Âu vốn nhẫn tâm khi đối mặt với một trong những bi kịch tồi tệ nhất của thời đại chúng ta. Hình ảnh giáo đồ đạo Ki-tô đi trên mặt nước thể hiện thói đạo đức giả của cái gọi là “tình yêu” Ki-tô giáo ở châu Âu” – ông Nawaz viết trên Facebook.
Cậu bé Aylan cùng anh trai 5 tuổi Galip và mẹ Rehan nằm trong số 12 người di cư Syria chết đuối ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ và trôi dạt vào bãi biển gần TP Bodrum hôm 2-9, khi đang trên đường tới Đức.
Thảm kịch làm rung động hàng triệu con tim trên thế giới và Aylan trở thành biểu tượng cho sự mất mát trong cuộc khủng hoảng di cư đang đè nặng lên vai các nước châu Âu.
Bình luận (0)