xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chất xúc tác bất ngờ từ IS

THU HẰNG (lược dịch theo hãng tin Reuters)

Thất bại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể giúp giảm bớt những rạn nứt giáo phái đã chia rẽ Iran và Ả Rập Saudi quá lâu

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại tại Iraq. Vào ngày 5-10, IS mất thị trấn thành trì cuối cùng Hawija, phía Bắc Iraq sau khi quân đội chính phủ tái chiếm 2 TP Mosul và Tal Afar vào đầu năm nay. Những trận chiến khốc liệt nhất để giành giật những thành phố này đều được đưa tin nhiều. Tuy nhiên, ít ai để ý đến chuyện thất bại của IS đã tái định hình ra sao các liên minh chính trị và giáo phái tại khu vực.

Sự thăng trầm của IS đã tác động nghiêm trọng đến quan hệ giữa 2 dòng Hồi giáo Sunni và Shiite. Tại Iraq, nơi hàng ngàn người từng thiệt mạng trong cuộc chiến giáo phái sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein, cư dân ở những TP Mosul và Hawija, phần lớn theo dòng Sunni, đã chào đón lực lượng quân sự Iraq, chủ yếu là người Shiite, khi họ tới giải phóng những địa phương này khỏi tay IS. Nguy cơ xung đột giữa người Shiite và người Sunni khó xảy ra trong tương lai gần bởi người Shiite nhìn nhận người Sunni đã bị đày đọa ở những thành phố bị IS chiếm giữ.

Ngay cả nền chính trị Iran cũng chịu tác động bởi IS. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng thể hiện thái độ mềm mỏng hơn với người Sunni trong thông báo hiếm thấy hồi tháng 8, theo đó cấm tất cả hành động kỳ thị nhằm vào người thiểu số. Người Sunni thiểu số ở Iran vốn thiệt thòi về quyền lợi hơn so với người Shiite.

Tương tự, thất bại nhanh hơn dự kiến của IS tại nhiều chiến trường ở Syria cho thấy nhóm này không được nhiều ủng hộ của cộng đồng người Sunni địa phương chịu sự cai trị của chúng vài năm qua. Những thay đổi lớn nhất có thể nhận thấy nằm ở Iraq. Các lãnh đạo người Shiite ở đây đã nỗ lực xây dựng một chính sách đối ngoại hậu IS. Nhiều nhà quan sát cho rằng chính sự theo đuổi những chính sách giáo phái có hại cho người Sunni ở Iraq - từng được tiến hành có hệ thống dưới thời cựu thủ tướng Nuri al-Maliki - đã thúc đẩy sự trỗi dậy của IS.

Kết quả của động lực mới nói trên thể hiện ở sự giữ khoảng cách của các lãnh đạo Shiite của Iraq với Iran, khi họ đưa ra một đề nghị không ai nghĩ sẽ xảy ra tới khối Ả Rập Sunni của khu vực. Một trong những dấu hiệu mới nhất của sự thay đổi này đến khi Thủ tướng Iraq Haidar Al-Abadi từ chối lời mời tham gia lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 5-8. Cách đây vài năm, một sự cự tuyệt như vậy hẳn là điều không tưởng.

Baghdad còn công khai chỉ trích thỏa thuận của phong trào Hezbollah được Iran chống lưng, về việc sơ tán một nhóm tay súng IS từ Lebanon sang Đông Syria, gần biên giới Iraq. Thỏa thuận được Tehran hậu thuẫn này là "không thể chấp nhận được" và là "một sự sỉ nhục đối với người dân Iraq" - Thủ tướng Abadi tuyên bố hồi tháng 8.

Chất xúc tác bất ngờ từ IS - Ảnh 1.

Vua Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud (phải) và Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi tại Riyadh hôm 21-10. Ảnh: REUTERS

Tầm ảnh hưởng của Iran lên chính trường Iraq cũng đang bị thu hẹp. Ông Ammar al-Hakim đã rời vị trí lãnh đạo Hội đồng Hồi giáo Tối cao Iraq - đảng lớn nhất của người Shiite ở Iraq và được Tehran hậu thuẫn - chỉ một tháng sau cuộc gặp Thống đốc Mecca Khalid al-Faisa (một cố vấn không chính thức của Vua Ả Rập Saudi Salman) hồi tháng 6. Hội đồng do Iran hậu thuẫn này là đảng lớn nhất của người Shiite ở Iraq. Ông Hakim đã nhanh chóng thành lập Phong trào Thông thái Quốc gia - một chính đảng "đón nhận" mọi người Iraq.

Cùng lúc đó, nhóm dân quân Shiite do Iran tài trợ được biết đến với cái tên Lực lượng huy động nhân dân đang bị chia rẽ giữa hai lựa chọn: gia nhập quân đội Iraq - một động thái sẽ làm lung lay chỗ đứng của Iran trong bộ máy an ninh của Iraq - hoặc duy trì sự độc lập với Baghdad. Các nhóm trung thành với các lãnh đạo Shiite nổi bật Moqtada al-Sadr và Grand Ayatollah Ali al-Sistani đã bắt đầu các bước đi nhằm đăng ký gia nhập quân đội Iraq. Trong khi đó, những người được lãnh đạo bởi ông Hadi al-Amiri của tổ chức Badr và Qais al-Khazali của tổ chức Asaib Ahl al-Haq vẫn ủng hộ Iran.

Trong bối cảnh đó, Iraq đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Ả Rập Saudi. Bên cạnh các chuyến thăm ngoại giao gần đây giữa hai nước, trong đó có chuyến đi của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và giáo sĩ Moqtada al-Sadr. Sau khi gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, ông Sadr đã đưa ra tuyên bố nói rằng ông "rất hài lòng với đột phá tích cực trong quan hệ Ả Rập Saudi - Iraq", và ông hy vọng đây là khởi đầu cho sự tháo ngòi nổ xung đột giáo phái trong khu vực Hồi giáo Ả Rập.

Rõ ràng, việc đa dạng hóa các mối quan hệ vượt ra ngoài vấn đề giáo phái hoặc tư tưởng là lợi ích chiến lược của Iraq. Cải thiện quan hệ với Riyadh giúp mở đường cho Baghdad tới những viện trợ tài chính cực kỳ cần thiết từ Ả Rập Saudi, cũng như thiết lập một mối quan hệ kinh tế giúp chống chọi những ảnh hưởng quân sự và chính trị đã bám rễ khi Iran tranh thủ người Shiite để chống lực lượng được Mỹ hậu thuẫn tại Iraq. Bước đi này cũng có thể phát tín hiệu cho người Sunni thiểu số ở Iraq rằng chính quyền Baghdad không phải con rối của Iran.

Chính sách đối ngoại hậu IS của Iraq có thể còn mang lại lợi ích rộng lớn hơn cho khu vực. Đối với Riyadh, xích gần hơn với Baghdad có thể giúp giới lãnh đạo Ả Rập Saudi cảm thấy bớt bị đe dọa hơn từ ảnh hưởng đang tăng của Iran. Quan hệ giữa Iran và Ả Rập Saudi từ đó cũng có thể tan băng, đóng góp nhiều hơn cho an ninh khu vực. Trớ trêu thay, việc đánh bại IS có thể lại là chất xúc tác giúp giảm bớt những rạn nứt giáo phái đã chia rẽ hai bên quá lâu. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo