Myanmar đến giờ đã thông báo hơn 140.000 ca nhiễm và hơn 3.200 ca tử vong vì đại dịch Covid-19, Reuters đưa tin ngày 30-5. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng số liệu thực tế là cao hơn nhiều, bởi cuộc chiến chống Covid-19 cùng hệ thống y tế của nước này gần như khủng hoảng kể từ cuộc đảo chính hồi đầu tháng 2.
Myanmar hiện đối mặt nỗi lo gia tăng liên quan đến các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 đang hoành hành tại Thái Lan và những quốc gia láng giềng khác, đặc biệt là khi họ đang thiếu thốn ôxy, thiết bị y tế, bác sĩ và xe cấp cứu. Dịch vụ y tế tại các bệnh viện công Myanmar đã bị sụp đổ, sau khi nhiều bác sĩ và nhân viên y tế thiệt mạng, bị bắt giữ hoặc đình công phản đối chính quyền quân sự.
Tại Thái Lan, theo nghiên cứu được Trường ĐH Suan Dusit Rajabhat (Bangkok) tiến hành trực tuyến từ ngày 24-5 đến 27-5, gần 75% trong tổng số 1.713 người tham gia trên khắp cả nước khẳng định họ cảm thấy "bất an và tuyệt vọng" về cuộc sống trong khủng hoảng Covid-19.
Khi được hỏi về điều họ muốn chính phủ, giới chức địa phương và lĩnh vực tư nhân thực hiện để xoa dịu khủng hoảng, 74,96% khẳng định cần triển khai chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn; 60,52% muốn đẩy nhanh nỗ lực hồi phục kinh tế; 56,51% muốn được cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác về tình hình đại dịch; 54,86% muốn viện trợ dành cho những người bị ảnh hưởng được phân phối đồng đều và 49,91% muốn nỗ lực xét nghiệm Covid-19 được triển khai ở tất cả các vùng.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 Thái Lan (CCSA) thông báo thêm 24 ca tử vong và 4.528 ca nhiễm vào ngày 30-5, lên lần lượt tổng cộng 1.012 và 154.307 ca kể từ khi đại dịch khởi phát.
Binh sĩ xịt thuốc khử khuẩn ở TP Tân Bắc - Đài Loan (Trung Quốc) hôm 27-5 trong lúc vùng lãnh thổ này đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Y tế Đài Loan (Trung Quốc) Chen Shih-chung tuyên bố vùng lãnh thổ này vẫn "chưa từ bỏ hy vọng" về vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức). Đài Loan hiện chỉ mới tiêm phòng được khoảng 1% trong tổng số hơn 23 triệu dân dù đã đặt mua gần 30 triệu liều từ Công ty AstraZeneca (Anh), Công ty Moderna (Mỹ) cùng 2 hãng dược nội địa.
Chính quyền Đài Loan thời gian qua đối mặt sức ép gia tăng từ phe đối lập vì xét nghiệm và báo cáo tình hình dịch bệnh chậm trễ. Tuy nhiên, ông Chen nhấn mạnh vấn đề đang được cải thiện. Với 355 ca nhiễm mới vào ngày 30-5, giảm so với 486 ca của ngày trước đó, Đài Loan đến giờ ghi nhận tổng cộng 8.160 ca nhiễm kể từ khi đại dịch khởi phát, trong đó có 110 ca tử vong.
Làn sóng lây nhiễm mới đã buộc Đài Loan - nơi từng được mô tả là thành công lớn trong cuộc chiến chống Covid-19, ban bố trở lại các biện pháp hạn chế, như đóng cửa trường học, quán bar, phần lớn cơ sở công cộng và cấm nhà hàng phục vụ ăn uống tại chỗ.
Cũng trong ngày 30-5, Ấn Độ thông báo 165.553 ca nhiễm mới sau 24 giờ - mức tăng thấp nhất trong 46 ngày qua. Quốc gia Nam Á này đến giờ đã ghi nhận tổng cộng 27,9 triệu ca nhiễm và 325.972 ca tử vong, bao gồm 3.460 ca mới.
Cuộc chiến chống Covid-19 tại Ấn Độ cùng ngày nhận thêm cú hích, khi chính phủ nước này thông báo họ sẽ được bàn giao gần 120 triệu liều vắc-xin Covid-19 để tiêm phòng cho người dân trong nước vào tháng 6, tăng mạnh so với 79,4 triệu liều vào tháng trước.
Cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) báo cáo thêm hơn 480 ca nhiễm, trong đó có 464 ca nhiễm cộng đồng. Theo hãng tin Yonhap, đây là lần đầu tiên trong 20 ngày, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trở lại ngưỡng 400, sau khi dao động giữa ngưỡng 500 và 700 vào tuần trước đó.
Phát hiện thuốc có thể thách thức biến thể SARS-CoV-2
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ) đã phát hiện một loại thuốc có thể là công cụ "thách thức cuộc chơi" trong việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, trong đó bao gồm cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Đó là thuốc diABZI, được nhóm nghiên cứu phát hiện có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các triệu chứng Covid-19 nặng trên chuột và có thể chống lại nhiều biến thể khác nhau. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy virus SARS-CoV-2 có khả năng tránh sự hoạt động của một loại protein do tế bào cơ thể sinh ra khi bị virus tấn công. Điều đó khiến phản ứng miễn dịch bị trì hoãn, tạo điều kiện cho virus xâm nhập và lây nhiễm trong hệ hô hấp.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu thêm về hệ miễn dịch, các nhà khoa học nhận thấy thuốc diABZI có các thành phần có thể kích thích sự sản sinh các protein kháng virus. Theo đó, trong tổng số 129 con chuột nhiễm Covid-19 được điều trị bằng diABZI, khi đánh giá trước một nhóm kiểm soát, những con chuột dùng loại thuốc này có tải lượng virus thấp hơn.
Nói về kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Immunology, giáo sư bệnh học Sara Cherry tại Trường ĐH Pennsylvania, lưu ý: "Bài báo là công trình đầu tiên chỉ ra rằng việc kích hoạt phản ứng miễn dịch sớm bằng phương pháp điều trị với một liều duy nhất là một chiến lược đầy hứa hẹn để kiểm soát virus SARS-CoV-2, bao gồm cả chủng biến thể Nam Phi B.1.351".
Theo Đài CNN ngày 30-5, thuốc diABZI vẫn chưa được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) hoặc Bộ Y tế Canada phê duyệt, song giáo sư Sara Cherry cho biết thuốc này có thể có hiệu quả chống lại nhiều loại virus đường hô hấp khác, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường và virus parainfluenza.
Gia Hòa
Bình luận (0)