Đối phó Trung Quốc
Theo báo cáo, khu vực châu Á và Úc mới biên chế thêm 6 tàu sân bay, 128 tàu đổ bộ, 21 tàu hỗ trợ, 12 tàu hộ tống nhỏ, 2 tàu tuần dương, 42 tàu khu trục lớn, 115 tàu khu trục nhỏ, 235 tàu chiến tấn công nhanh, 34 tàu phá mìn, 82 tàu tuần tiễu ngoài khơi (OPV), 255 tàu tuần tra và 116 tàu ngầm. Trong số này, có 172 tàu của Trung Quốc, 145 tàu của Hàn Quốc và 74 tàu của Nhật Bản.
Ông Boob Nugent, Phó Chủ tịch AMI, nhận định hầu hết các nước trong khu vực ASEAN đang tăng cường sức mạnh hải quân vì những lý do khác nhau. Chẳng hạn như Việt Nam và Philippines đang đối mặt với những hành động quấy rối của tàu thuyền Trung Quốc trong thời gian qua khi cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông leo thang.
Tàu khu trục lớp Aegis của Nhật Bản. Ảnh: KYODO
Trong năm 2011, để đối phó với những hành động bị xem là ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã dành 60 triệu USD để sắm 1 tàu tuần tra hải quân mới và 6 máy bay trực thăng. Đến năm 2012, Manila thực thi chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá 900 triệu USD trong 5 năm, đồng thời mua 1 tàu khu trục, máy bay và trực thăng chiến đấu.
Trong khi đó, báo cáo nhận định Việt Nam đã cải thiện khả năng của hải quân và không quân do những hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Báo cáo đã nhắc đến hợp đồng đóng 6 tàu ngầm lớp Kilo trị giá hơn 2 tỉ USD của Nga cho Việt Nam cũng như hợp đồng mua máy bay Su-30MK2, cũng của Nga.
ASEAN thích tàu tuần tiễu ngoài khơi
Cũng theo ông Nugent, thị trường OPV đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn 2013-2030, doanh thu của thị trường này có thể đạt mức 4,6 tỉ USD. Ông Nugent cho rằng dù các OPV không thể thay thế tàu khu trục trong các hạm đội hỗn hợp nhưng loại tàu này có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với loại tàu “khác tàu chiến” dùng để bảo vệ an ninh hàng hải và thực thi pháp luật. Chẳng hạn như loại OPV có trọng tải 1.500 tấn trở lên có thể đảm nhận nhiệm vụ của các tàu hộ tống và tàu khu trục nhỏ trong việc thực thi những nhiệm vụ nói trên.
Sam Bateman, một chuyên viên nghiên cứu trong chương trình an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, hôm 21-4 cho trang Defense News biết các nước ASEAN có vẻ ưa chuộng OPV trong khi các nước Đông Bắc Á thích các loại tàu khu trục và đổ bộ lớn. Theo ông Bateman, những nỗi lo về sự tăng cường hoạt động trên biển của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản và Hàn Quốc đẩy mạnh chương trình tàu ngầm, tàu khu trục và tàu đổ bộ.
Tương tự, một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc có những hành động gây hấn ở biển Hoa Đông và biển Đông là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á - Thái Bình Dương. Alessio Patalano, một chuyên gia hải quân Nhật Bản tại Trường King College ở London - Anh, nhận định: “Nhật Bản xem sự lấn tới của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay là mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Đó là lý do Tokyo đang dành 70,1 tỉ yen (14.700 tỉ đồng) trong năm 2013 để xây dựng một tàu khu trục đa năng lớp DD trọng tải 5.000 tấn được cải thiện khả năng phát hiện tàu ngầm. Bộ Quốc phòng Nhật Bản giải thích loại tàu này nhằm đối phó với “loại tàu ngầm chạy nhanh và êm ái hơn của nước khác”, có ý nhắc đến tàu ngầm Type 93 của Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản còn chi 53,1 tỉ yen để chế tạo 1 tàu ngầm lớp SS mới, đồng thời tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22.
Bình luận (0)