Đó là kết quả công bố gần đây của cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) tiến hành trên 47.643 người ở 43 quốc gia.
Những người được hỏi sẽ tự cho điểm mình trên “chiếc thang cuộc đời”. 56% người Malaysia được hỏi cho mình điểm 7 hoặc cao hơn. Mức độ hài lòng với cuộc sống tại Indonesia tăng đáng kể - từ 23% của năm 2007 lên 58% của năm nay - và tỉ lệ thuận với hành trình giàu có của đất nước. Ngược lại, tại nước nghèo như Bangladesh, chỉ có hơn 36% hài lòng với cuộc sống.
Người dân Indonesia chăm bồ câu đua ở thủ đô Jakarta
Ảnh: AP
Tuy nhiên, giàu có không phải là yếu tố duy nhất mang lại hạnh phúc. Khảo sát chỉ ra phụ nữ có khuynh hướng hạnh phúc hơn nam giới; người trung niên và chưa lập gia đình không hạnh phúc bằng những người trẻ hơn và đã kết hôn.
Ngoài ra, người dân ở những nước đang phát triển có ít ưu tiên hơn - quan tâm nhiều nhất đến sức khỏe, chuyện học hành của con cái và an ninh xã hội - thay vì đòi hỏi tiếp cận internet, sở hữu xe hơi, đi du lịch... như ở các nước giàu.
Không có mặt trong khảo sát năm 2007 của Pew, năm nay, Việt Nam có 64% người được hỏi cho mình điểm 7 hoặc cao hơn trên “chiếc thang cuộc đời”. “Tiền bạc không bảo đảm được hạnh phúc. Nhiều người nghèo nhưng vẫn sống vui nhờ gia đình yêu thương và tôn trọng nhau. Nhiều gia đình giàu có lại khổ sở vì vợ chồng cãi cọ và con cái nghiện ngập” - bà Nguyễn Thị Mai, giáo viên về hưu, cho biết.
Bình luận (0)