Trong thông điệp cứng rắn gửi đến Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 3-6 khẳng định Washington sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo xây phi pháp ở biển Đông vì cho rằng những động thái này gây hại cho an ninh khu vực.
Ba vấn đề nóng
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La (SLD) - một diễn đàn an ninh châu Á diễn ra tại Singapore, ông Mattis cho biết Washington không thể và sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương, sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng biển Đông cũng như phản đối những yêu sách hàng hải thái quá tại vùng biển này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định việc Washington tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên không đồng nghĩa nước này sẽ không thách thức những hoạt động bị xem là coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh ở biển Đông.
Đây là 2 trong 3 vấn đề nóng, bên cạnh chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo bạo lực, được các nhà tổ chức SLD năm nay xem là mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh khu vực.
Một số nhà phân tích nhận định những lời lẽ mạnh mẽ nói trên của ông Mattis cho thấy Mỹ muốn phân biệt rõ ràng chuyện đối phó Trung Quốc ở biển Đông với chuyện vận động Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng. Chứng kiến chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian qua kêu gọi Trung Quốc gia tăng sức ép lên Triều Tiên, không ít đồng minh Mỹ lo ngại Washington có thể không còn cứng rắn với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 3-6Ảnh: Reuters
Trấn an đồng minh
Theo đài BBC, câu hỏi được các đại biểu quan tâm nhiều nhất tại SLD 2017 là vai trò của nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump sẽ lớn đến đâu tại châu Á - Thái Bình Dương. Một số đồng minh lo ngại việc Washington rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gần đây nhất là Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu báo hiệu nước này đang giảm bớt vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình. Ngoài ra, không ít người nhận định ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề đối nội thông qua khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết".
Dù vậy, tướng Mattis đã tìm cách trấn an các đồng minh bằng cách nhấn mạnh Mỹ không quay lưng lại với khu vực này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên của Mỹ và nỗ lực hàng đầu là xây dựng liên minh. Trong dấu hiệu cho thấy cam kết này, khoảng 60% khí tài không quân chiến thuật của Mỹ ở nước ngoài sẽ được triển khai đến khu vực này. Ngoài ra, ông Mattis cho biết sẽ làm việc với quốc hội Mỹ về một sáng kiến ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Bộ trưởng Mattis, Mỹ có kế hoạch nỗ lực tăng cường sức mạnh cho các quốc gia khác ở châu Á để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong hòa bình và an ninh của mình. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các nước phải đóng góp nhiều hơn cho an ninh của chính mình.
AP nhận định bài phát biểu của ông Mattis cũng phát đi thông điệp lạc quan và hy vọng về sự hợp tác, hòa bình ở khu vực. Chẳng hạn như về quan hệ Mỹ - Trung Quốc, ông cho rằng dù sự cạnh tranh giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể xảy ra thì xung đột không phải là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng là quan điểm được tướng He Lei, Trưởng phái đoàn Trung Quốc dự SLD 2017, chia sẻ. Ông He Lei, hiện là Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington có thể đóng góp nhiều cho an ninh của châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nếu hai bên bảo đảm không để xảy ra xung đột.
Bloomberg nhận định vẫn còn quá sớm để biết được liệu bài phát biểu của ông Mattis thuyết phục được người nghe đến đâu. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết nước ông vẫn đang nỗ lực tìm hiểu xem chính sách của Mỹ tại khu vực này là gì. Trong khi đó, nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Mac Thornberry tin rằng ông Mattis đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Mỹ đối với những đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Liên Hiệp Quốc mở rộng trừng phạt Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 2-6 thông qua nghị quyết mở rộng trừng phạt CHDCND Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa đạn đạo của nước này. Cụ thể, thêm 4 thực thể, 15 cá nhân của Triều Tiên bị đưa vào danh sách bị đóng băng tài sản và cấm đi lại trên toàn cầu, trong đó có Ngân hàng Koryo, Lực lượng rốc-két chiến thuật của Quân đội Nhân dân Triều Tiên và người phụ trách hoạt động gián điệp ở nước ngoài của Bình Nhưỡng. Đáng chú ý, đây là nghị quyết trừng phạt Triều Tiên đầu tiên được Washington và Bắc Kinh đồng thuận kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hôm 20-1-2017. Không dừng lại ở việc trừng phạt, Mỹ tuyên bố không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. "Ngoài những biện pháp trừng phạt về mặt ngoại giao và kinh tế, Mỹ sẵn sàng đối phó các hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng những biện pháp khác nếu cần thiết" - Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, khẳng định.
Đó cũng là thông điệp được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhắc lại trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 3-6. Theo ông Mattis, mối đe dọa đến từ Triều Tiên là "rõ ràng và đang tồn tại" và rằng Bình Nhưỡng đã đẩy nhanh tiến độ phát triển vũ khí hạt nhân.Vì thế, Washington sẽ hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực để gia tăng sức ép ngoại giao, kinh tế mới lên Triều Tiên. Ông Mattis cũng cảnh báo "mọi lựa chọn vẫn ở trên bàn" nếu Bình Nhưỡng tiếp tục các chương trình vũ khí của mình, trong lúc thúc giục Trung Quốc tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc là để đối phó những mối đe dọa "thật sự" đến từ Triều Tiên.
Cùng ngày, Triều Tiên chỉ trích việc Mỹ bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong vụ thử hôm 30-5 là động thái khiêu khích quân sự. "Hành động nguy hiểm này là một dấu hiệu cho thấy quá trình chuẩn bị chiến tranh hạt nhân của Mỹ nhắm vào Triều Tiên đã bước sang giai đoạn cuối cùng" - người phát ngôn Lực lượng Chiến lược Triều Tiên (NKSF) tuyên bố với hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA). Tuy nhiên, người này cho rằng sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu Mỹ nghĩ rằng hệ thống đánh chặn tên lửa của mình có thể đối phó được một vụ tấn công hạt nhân của NKSF.
Cao Lực
Bình luận (0)