Bất chấp hơi cay, lựu đạn gây choáng của cảnh sát Macedonia, hàng ngàn người nhập cư trái phép và người tị nạn từ Hy Lạp vẫn kiên trì bám trụ ở biên giới đất nước Balkan khó khăn này để tìm đường đến các nước thịnh vượng như Đức, Hà Lan hay Thụy Điển.
Quá khổ sở
Ướt sũng vì mưa, biển người với nhiều phụ nữ và trẻ em mắc kẹt ở biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia hôm 22-8 trong khi vẫn không thôi ngóng trông về các miền đất hứa ở phía Bắc châu Âu. Theo đài CNN, một số người di cư được phép qua biên giới vào cuối ngày hôm trước nhưng phần đông buộc phải chờ đợi trong mưa lạnh.
Một người tên Nawras vò đầu bứt tai: “Tôi không biết phải làm gì. Tình cảnh này quá khổ sở”. Nhà hoạt động Gabriela Andreevska cho biết khoảng 300 người di cư chờ đợi ở nhà ga xe lửa Gevgelija ở Macedonia. “Họ đứng tuyệt vọng trong cơn mưa, không nơi trú ẩn” - Andreevska mô tả.
Trong ngày 22-8, hàng trăm người tị nạn leo được qua hàng rào thép gai ở biên giới bất chấp cảnh sát ném lựu đạn choáng.
Trước đó một ngày, sau khi có thông tin Macedonia cho phép một nhóm vài trăm người qua biên giới mỗi giờ, dòng người tị nạn lập tức đổ dồn về biên giới phía Nam nước này, dẫn đến các vụ đụng độ với cảnh sát, khiến ít nhất 10 người bị thương.
Chính phủ Macedonia bào chữa cho việc dùng dùi cui và khiên chống bạo động đẩy lùi dòng người. Ngoại trưởng Nikola Poposki cho biết Macedonia buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới và hành động như trên vì số lượng di dân tăng đáng kể, đến khoảng 3.000-3.500 người/ngày, chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan, Iraq…
Cùng chung tình trạng với Macedonia là Hy Lạp. Đất nước nợ ngập đầu đang gồng mình gánh áp lực người di cư tăng vọt. Chỉ riêng tháng 7, đã có 50.000 người đi thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp.
Macedonia cho biết đã cho hơn 40.000 người nhập cư và người tị nạn từ Hy Lạp đi vào lãnh thổ trong 2 tháng qua; hầu hết họ nhanh chóng đi tiếp đến Serbia và sau đó vào Hungary để hướng đến những nước giàu có hơn ở Tây Âu và Bắc Âu. Để giải tỏa áp lực lên những hòn đảo của mình, Hy Lạp bắt đầu vận chuyển những người tị nạn bằng phà hướng về phía Bắc để đến Macedonia.
EU chậm chạp?
Làn sóng người tị nạn tràn vào Macedonia biến nước này thành điểm nóng mới nhất trong cuộc khủng hoảng dân di cư xuất phát từ tình hình bất ổn ở Trung Đông. Hiện tại, Hungary gấp rút hoàn thành một hàng rào dọc theo đoạn biên giới tiếp giáp với Serbia dài 175 km để ngăn người tị nạn và người nhập cư.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và người đồng cấp Anh Theresa May ký thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác truy quét những kẻ buôn người, tăng cường an ninh và lắp đặt camera giám sát trong đường hầm xuyên eo biển Manche. Người phát ngôn của hãng Eurotunnel, nhà điều hành và quản lý đường hầm trên, cho biết giao thông qua hầm bị ngưng trệ ngày 21-8, sau khi người di cư trèo lên khoang một tàu chở hàng để tìm cách sang Anh.
Còn tại Đức, ít nhất 17 người bị thương trong vụ bạo loạn xảy ra ở trại tị nạn Suhl hôm 20-8 sau khi một người đàn ông Afghanistan xé kinh Koran và ném vào nhà vệ sinh. Đến đêm 21-8, cảnh sát ở Heidenau, gần thành phố miền Tây Dresden, đụng độ với những người biểu tình thuộc đảng Dân chủ quốc gia cực hữu phản đối việc mở một trung tâm cho người tị nạn.
Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông sau khi nhiều người quá khích chặn đường và ném đá, chai lọ, pháo vào lực lượng an ninh. Đến sáng 22-8, tình hình đã lắng dịu. Nhiều giờ sau khi vụ đụng độ kết thúc, khoảng 250 người tị nạn đã được đưa vào trại tị nạn nói trên tại Đức.
Nhà chức trách Đức gần đây cảnh báo tình trạng gia tăng các vụ tấn công nhằm vào các trung tâm và trại tiếp nhận người tị nạn tại nước này. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere ngày 19-8 cho biết Đức dự kiến sẽ tiếp nhận tới 800.000 người tìm kiếm tị nạn tính đến cuối năm nay.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Ý ngày 22-8 nỗ lực giải cứu 3.000 người di cư ở vùng biển ngoài khơi Libya sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu từ 18 tàu thuyền. Ước tính đã cứu được 2.000-3.000 người.
Tính đến nay, hơn 104.000 người di cư từ châu Phi, Trung Đông và Nam Á đã tới các cảng miền Nam nước Ý trong năm 2015. Thêm 135.000 người tới Hy Lạp và hơn 2.300 người bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải.
Đức và Pháp kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường phối hợp để đối phó với dòng người tị nạn, nhất là khi Đức đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm trong vấn đề này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng người tị nạn có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn cả vấn đề nợ của khu vực đồng tiền chung euro. Bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande dự kiến họp tại Berlin vào đầu tuần tới để tìm kiếm biện pháp hỗ trợ người tị nạn.
Mặt khác, đáp lại chỉ trích EU phản ứng quá chậm trước cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, Ủy viên châu Âu về vấn đề người di cư Dimitris Avramopoulos cho biết Ủy ban châu Âu đang làm việc cả ngày lẫn đêm nhằm hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên đang phải đối phó với làn sóng người di cư từ Trung Đông, châu Phi và Nam Á.
Bình luận (0)