Chính phủ các nước Đông Nam Á đang đối mặt lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc giải cứu hàng ngàn người di cư được tin là đang mắc kẹt ngoài khơi.
Nỗi lo “tàu xác chết”
Dự án Arakan, một tổ chức phi chính phủ theo dõi người Rohingya Hồi giáo, hôm 12-5 cho biết đang có đến 8.000 người Rohingya Hồi giáo và Bangladesh chen nhau trên những chiếc thuyền ọp ẹp ở eo biển Malacca và vùng biển quốc tế gần đó. Bà Chris Lewa, giám đốc tổ chức này, cảnh báo tình trạng sức khỏe của họ kém dần do thiếu thốn lương thực, nước sạch, trong đó hàng chục người đã thiệt mạng.
Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) cũng kêu gọi cấp thiết tiến hành chiến dịch tìm kiếm và giải cứu trong lúc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo nguy cơ những chiếc thuyền chở đầy xác chết dạt vào bờ nếu các chính phủ không hành động nhanh chóng. Đại diện UNHCR, một số nước Đông Nam Á và tổ chức quốc tế tức tốc nhóm họp nhưng các bên tham dự vẫn chưa có kế hoạch tìm kiếm tức thời tại eo biển Malacca.
Di dân đến từ Myanmar và Bangladesh tại đồn cảnh sát thị trấn Kuah,
bang Kedah - Malaysia ngày 11-5 Ảnh: EPA
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi gần 2.000 người di cư bị bọn buôn người bỏ rơi đã bơi vào bờ, được giải cứu hoặc chặn lại ở ngoài khơi Malaysia và Indonesia trong mấy ngày qua.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Manahan Simorangkir hôm 12-5 cho biết một tàu chở khoảng 400 người di cư từ Myanmar và Bangladesh đã được họ tiếp tế trước khi kéo nó ra khỏi lãnh hải dù chưa rõ đích đến tiếp theo. “Chúng tôi không có ý định ngăn họ vào lãnh thổ mình. Thế nhưng, vì nơi họ muốn đến không phải là Indonesia nên chúng tôi để họ tiếp tục hành trình” - phát ngôn viên này nói.
Truy quét bọn buôn người
UNHCR ước tính có gần 25.000 người di cư từ Bangladesh, Myanmar bị bọn buôn người nhồi nhét lên thuyền trong 3 tháng đầu năm nay, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, bà Lewa ước tính hơn 100.000 nam giới, phụ nữ và trẻ em đã ra khơi kể từ giữa năm 2012. Hầu hết tìm cách đến Malaysia nhưng chiến dịch trấn áp buôn người trong khu vực thời gian gần đây khiến giấc mơ này bị chôn vùi.
Một trong những mối bận tâm hàng đầu hiện nay là phải làm gì với người di cư sau khi cứu được. Người Rohingya Hồi giáo không có quyền công dân ở Myanmar nên trở thành người không quê hương. Các nước khác lại không muốn tiếp nhận cộng đồng thiểu số này do lo ngại sẽ khơi mào làn sóng di cư của những người nghèo khổ, ít học.
Một số nước đang đẩy mạnh trấn áp bọn buôn người với hy vọng giảm bớt làn sóng di dân. Tại Bangladesh, cảnh sát đã bắt 3 kẻ buôn người hôm 11-5 sau khi bắn chết 4 người khác vài ngày trước. Trong những tháng gần đây, hơn 100 người bị bắt trong chiến dịch trấn áp nạn buôn người ở nước này.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha gần đây ra tối hậu thư để chính quyền các tỉnh xóa sổ những trại giam giữ người Rohingya Hồi giáo và những hoạt động liên quan đến nạn buôn người. 50 cảnh sát tình nghi có liên quan đến các đường dây buôn người xuyên biên giới cũng bị trừng phạt.
Bên cạnh đó, theo Reuters, Thái Lan và Malaysia có thể chuẩn bị sẵn các trại để làm nơi trú ngụ tạm thời cho những người di cư đặt chân đến những nước này.
Tranh cãi về giải pháp phá hủy tàu buôn người
Đối mặt chỉ trích không nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng di cư khiến ít nhất 1.800 người bỏ mạng trên Địa Trung Hải từ đầu năm đến giờ, Liên minh châu Âu (EU) hôm 11-5 kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủng hộ kế hoạch đối phó bằng cách đập tan các tổ chức buôn người và tiêu hủy tàu thuyền của chúng.
Hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí “thu giữ và tiêu hủy tàu thuyền của bọn buôn người trước khi chúng được đưa vào sử dụng” nhưng chưa rõ cách làm cụ thể. Phát biểu tại trụ sở LHQ ở TP New York - Mỹ, bà Federica Mogherini, Cao ủy Đối ngoại EU, cho biết các ngoại trưởng châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày 18-5 để thảo luận chi tiết. Ngoài ra, theo Reuters, EU muốn tìm kiếm sự phê chuẩn của LHQ về đề xuất này.
Nga đã gọi động thái phá hủy tàu của bọn buôn người là “đi quá xa” với lý do có thể chủ tàu không rõ mục đích sử dụng của người thuê. Các tổ chức nhân quyền cũng cho rằng hành động quân sự chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Dù vậy, bà Mogherini cho hay cuộc thảo luận với các thành viên Hội đồng Bảo an khá tích cực và tin rằng sẽ có nghị quyết về vấn đề này.
Xuân Mai
Bình luận (0)