Bọn buôn lậu bỏ rơi những chiếc tàu chở đầy người di cư, trong số đó có không ít người đói khát và bệnh tật, sau chiến dịch truy quét nạn buôn người ở Thái Lan. Bangkok vốn là điểm đến hàng đầu của người Rohingya Hồi giáo chạy trốn các cuộc đàn áp ở Bangladesh và Myanmar.
Đợt truy quét của cơ quan chức năng Thái Lan khiến những kẻ buôn người chuyển hướng sang 2 nước láng giềng Indonesia và Malaysia. Hồi cuối tuần trước, hơn 1.600 người nhập cư đã đến Indonesia và Malaysia.
Ngày 14-5, Thiếu tướng cảnh sát Puttichat Akhachan cho biết nhà chức trách nước này phát hiện 1 tàu chở 300 người nhập cư (trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em) đang trôi dạt ở vùng biển phía Tây của Thái Lan. Mặc dù từ chối cấp phép cho tàu vào bờ, Bangkok cấp cho họ thực phẩm và nước uống.
Theo ông Akhachan, con tàu trên được phát hiện ở khu vực ngoài khơi cách đảo Koh Lipe 17 km. Cảnh quay trên truyền hình cho thấy các bà mẹ khóc lóc và những đứa trẻ cầu xin giúp đỡ ở trên thuyền.
Thiếu tướng Hải quân Hoàng gia Thái Lan Somchai Na Bangchang cho biết những người trên tàu không muốn đến Thái Lan mà muốn đến Malaysia hoặc Indonesia. Tuy nhiên, Dự án Arakan - một tổ chức phi chính phủ (NGO) giữ liên lạc với tàu trên nhiều ngày qua - cho hay nó bị các ngư dân Thái Lan kéo qua vùng biển Malaysia hôm 13-5 nhưng lại bị phía Malaysia đẩy ngược lại Thái Lan sau đó.
Cả Thái Lan và Indonesia đều khẳng định chính sách không xua đuổi tàu chở người nhập cư nhưng cũng không tiếp nhận họ mà chỉ hỗ trợ lương thực, nước uống.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo tình hình hiện nay có thể trở thành “một cuộc khủng hoảng nhân đạo”, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác giải cứu di dân, thay vì đẩy họ ra biển.
Ông Volker Turk, đại diện UNHCR, hôm 14-5 nhấn mạnh: “Cứu người phải là một ưu tiên”. UNHCR ước tính 25.000 người Bangladesh và Rohingya lên các con tàu buôn người trong 3 tháng đầu năm nay, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Malaysia đề nghị UNHCR tìm một nước khác cho người di cư. “Chúng tôi đang gửi cho họ một thông điệp đúng đắn: Quay về nơi họ ra đi. Đất nước họ đâu có chiến tranh. Tại sao chúng tôi lại phải chịu áp lực tiếp nhận họ? Người dân của chúng tôi không muốn để dân nhập cư vào" - ông Wan Junaidi Tuanku Jaafar, Thứ tưởng Bộ Nội vụ Malaysia, nói.
Phía Thái Lan cũng cho biết nước này cần sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế. “Chúng tôi đã kiểm soát biên giới để người Rohingya không vào Thái Lan. Các tổ chức quốc tế không nên chỉ đưa ra yêu cầu mà không hỗ trợ về tài chính” - Lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia Thái Lan Somyot Pumpanmuang nói.
Dân di cư tại tỉnh Aceh - Indonesia. Nguồn: Reuters
Bình luận (0)