Với những công ty đang đặt cược vào canh bạc phát triển vắc-xin ngừa đại dịch Covid-19, có nhiều điều họ phải cân nhắc.
Vấn đề giá cả
Không những phải đẩy nhanh quá trình thử nghiệm trong lúc duy trì tiêu chuẩn khoa học cao, họ còn phải chuẩn bị cho kịch bản thành công. Nghĩa là họ phải tích trữ đủ nguyên liệu thô để bắt đầu quá trình sản xuất đại trà, phải thành lập cơ sở để có thể xử lý và bàn giao lượng lớn sản phẩm. Bên cạnh đó, họ còn phải chuẩn bị tài chính cho trường hợp vắc-xin thất bại.
Theo đài CBS News, Moderna - hãng dược đầu tiên tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Covid-19 tại Mỹ, lên kế hoạch bán sản phẩm của họ với giá 37 USD/liều, cao gấp 3 lần so với giá dự tính của một số đối thủ cùng ngành. Mỗi người dự kiến cần tiêm đủ 2 liều để có thể miễn dịch hoàn toàn với Covid-19 nên tổng chi phí cho một gói tiêm chủng của Moderna là 74 USD/người. Moderna đã nhận được khoản tài trợ gần 1 tỉ USD từ chính phủ liên bang để phát triển vắc-xin. Trong thời gian qua, công ty này né tránh câu hỏi về lợi nhuận dự tính thu về đối với vắc-xin ngừa Covid-19.
Philippines bắt buộc cư dân trong chợ phải đeo khẩu trang và tấm chắn để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 Ảnh: REUTERS
Trong một tuyên bố hôm 7-8, Viện Serum Ấn Độ (SII) - hãng sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, cho biết nếu phát triển thành công, họ sẽ cung cấp 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình vào đầu năm 2021, với giá bán tối đa 3 USD/liều. Theo SII, mức giá trên có được nhờ khoản viện trợ 150 triệu USD từ Quỹ Bill & Melinda Gates.
Trong khi đó, theo tính toán của nhà phân tích Mani Foroohar từ Công ty Môi giới SVB Leerink (Mỹ), 2 hãng dược Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (Anh) đã ký thỏa thuận với chính phủ Mỹ để sản xuất 100 triệu liều vắc-xin với giá khoảng 10,5 USD/liều, thấp hơn 9 USD so với giá dự kiến trong giai đoạn đầu của "gã khổng lồ" ngành dược Mỹ Pfizer.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Stefan de Keersmaecker khẳng định: "Chúng tôi muốn bảo đảm vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được bán với giá cả phải chăng. Không nhất thiết phải miễn phí nhưng phải vừa túi tiền". Trước đó, nhiều công ty dược cũng cam kết rằng nếu phát triển thành công, họ sẽ bán vắc-xin theo phương châm "không vì lợi nhuận".
Tuy nhiên, những lời hứa như vậy là không thật sự rõ ràng, như trường hợp trước đây của Johnson & Johnson khi công ty đến từ Mỹ này ra cam kết tương tự với thuốc lao phổi Bedaquiline ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Theo mạng truyền hình Euronews, Tổ chức Bác sĩ không biên giới (DWB) yêu cầu Johnson & Johnson chấm dứt mức giá 400 USD sau khi các nhà nghiên cứu đến từ Trường ĐH Liverpool (Anh) tính toán rằng Bedaquiline có thể được sản xuất và phân phối với giá chỉ 1 USD/ngày.
Không phải thuốc tiên
Theo báo The Washington Post, giới chuyên gia y tế công đang thảo luận về một nỗi lo mới: vắc-xin ngừa Covid-19 có thể đang ở mức quá cao. Những tuyên bố đầy tự tin của giới chính trị gia và các công ty về việc vắc-xin chuẩn bị xuất hiện có thể khiến nhiều người có "niềm tin không thực tế" rằng thế giới sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường. Thậm chí, những tuyên bố này có thể dẫn đến tình trạng chủ quan, lơ là đối với những chiến lược đơn giản đang giúp làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và cứu sống tính mạng con người.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô Paris - Pháp Ảnh: REUTERS
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh vắc-xin "không phải là phép mầu" có thể đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường ngay lập tức. Tuyên bố về việc vắc-xin đã được chứng minh an toàn và hiệu quả sẽ chỉ là sự khởi đầu, không phải kết thúc. Việc đưa vắc-xin đến tay người dân trên toàn thế giới sẽ là một thách thức không nhỏ đối với mạng lưới phân phối, chuỗi cung ứng, niềm tin công chúng và năng lực hợp tác quốc tế. Quá trình này sẽ mất nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm.
Đối với những người được tiêm chủng ngay khi vắc-xin được chứng minh an toàn và hiệu quả, sự bảo vệ sẽ không xuất hiện ngay tức thì - sẽ mất vài tuần để hệ miễn dịch tạo ra đầy đủ kháng thể chống virus. Chưa kể, nhiều công nghệ vắc-xin sẽ yêu cầu liều thứ hai, vài tuần sau liều thứ nhất để gia tăng khả năng phòng vệ miễn dịch.
Con gái ông Putin đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu giờ chiều 11-8 tự hào thông báo Nga đã đăng ký vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới và một trong các con gái của ông đã được tiêm vắc-xin (được phát triển bởi Viện Gamaleya ở Moscow).
Lãnh đạo Nga hy vọng vắc-xin sẽ được lưu hành trong nước kể từ tháng 1-2021 sau khi sớm được sản xuất hàng loạt. Trước mắt, các nhân viên y tế tuyến đầu và những người dễ bị tổn thương về mặt y tế sẽ được ưu tiên tiêm phòng, theo Bộ Y tế.
Ông Putin cho biết thêm sau đợt tiêm thử nghiệm đầu tiên, thân nhiệt của con ông tăng lên 38oC nhưng ngày hôm sau trở lại 37oC.
Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 10-8 ca ngợi nỗ lực phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga, đồng thời tuyên bố ông sẵn sàng "xung phong" thử nghiệm đầu tiên. "Tôi sẽ nói với Tổng thống Putin rằng tôi có niềm tin to lớn vào các nghiên cứu của Nga trong cuộc chiến chống Covid-19 và tôi tin vắc-xin do Nga sản xuất rất tốt cho nhân loại" - nhà lãnh đạo Philippines nói. Trong một tuyên bố hôm 11-8, văn phòng Tổng thống Duterte cho biết Philippines sẵn sàng hợp tác với Nga trong nỗ lực thử nghiệm, cung cấp và sản xuất vắc-xin.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-8
Kỳ tới: Người Nga đi trước 1 bước
Bình luận (0)