Taliban ngày 19-8 tiếp tục trấn áp làn sóng biểu tình ở thủ đô Kabul cùng những thành phố khác của Afghanistan. Trong bối cảnh Taliban củng cố quyền lực, hàng trăm người biểu tình xuống phố ngày thứ hai liên tiếp để phản đối phong trào này.
Các tay súng Taliban một lần nữa sử dụng vũ lực để giải tán đám đông, báo The New York Times khẳng định, đồng thời cho biết phong trào này đang truy tìm gắt gao những cá nhân từng làm việc với các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là thành viên của các cơ quan an ninh Afghanistan trước đây.
Hàng triệu công dân khác, bao gồm công nhân những ngành thiết yếu, vẫn chưa dám ra khỏi nhà bất chấp lời kêu gọi quay lại làm việc từ Taliban vì những nỗi lo liên quan đến bạo lực, đàn áp. Các cơ quan cứu trợ cho biết những dịch vụ như điện, nước, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe của Afghanistan có thể sớm bị ảnh hưởng.
Các tay súng Taliban đối mặt với đám đông biểu tình ở thủ đô Kabul - Afghanistan hôm 19-8 Ảnh: The New York Times
Sau cuộc gặp với những người đồng cấp từ G7 (Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới), Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab ngày 19-8 kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết khủng hoảng Afghanistan để ngăn bạo lực leo thang, đồng thời nhấn mạnh Taliban phải bảo đảm Afghanistan không được trở thành căn cứ để phát động tấn công khủng bố.
Trong một tuyên bố sau đó cùng ngày, Bộ trưởng Raab cho biết Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cùng nhau ở Afghanistan để bảo đảm nỗ lực sơ tán tiếp tục diễn ra an toàn. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định với Bộ trưởng Raab rằng cộng đồng quốc tế cần hướng dẫn và hỗ trợ, thay vì gia tăng sức ép lên Afghanistan trong lúc quốc gia này chuyển sang chính quyền mới.
Khủng hoảng Afghanistan cũng là một trong những chủ đề chính trong cuộc hội đàm hôm 20-8 của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Merkel diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Đức căng thẳng vì nhiều vấn đề, trong đó có Ukraine.
Với việc Thủ tướng Merkel chuẩn bị rút khỏi chính trường sau cuộc bầu cử vào ngày 26-9, khủng hoảng Afghanistan có thể là vấn đề gây căng thẳng cuối cùng giữa 2 nhà lãnh đạo. Trong khi "bà đầm thép" mô tả việc Taliban trở lại cầm quyền sau 20 năm là một diễn biến khó nuốt, phía Nga khẳng định đây là "một tín hiệu tích cực", đặc biệt là khi phong trào này cam kết đổi mới và "thể hiện tinh thần sẵn sàng tôn trọng ý kiến của các bên".
Cuộc hội đàm trên diễn ra 1 ngày sau khi Tổng thống Putin điện đàm riêng với Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để bàn về giải pháp củng cố các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, bao gồm thông qua G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới), nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định cho Afghanistan, cũng như tầm quan trọng của việc bảo đảm sự an toàn cho dân thường…
Bình luận (0)