Báo Kompas dẫn lời người phát ngôn chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi, cho biết nỗ lực phân phối sẽ được tiến hành song song với quá trình thử nghiệm vắc-xin của Sinovac Biotech.
Theo bà Tarmizi, Indonesia đang hướng đến mục tiêu bắt đầu chương trình tiêm chủng ngay khi vắc-xin nêu trên được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Chương trình tiêm chủng quốc gia của Indonesia dự kiến hoàn tất trong 15 tháng, với đối tượng ưu tiên là khoảng 1,3 triệu nhân viên y tế - Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết.
Theo hãng tin Bloomberg, Indonesia đã ký hợp đồng với nhiều công ty, trong đó có AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và Novavax (Mỹ), đồng thời phát triển vắc-xin Merah Putih của riêng họ để cung cấp đủ liều tiêm cho 268 triệu dân.
Container chứa vắc-xin Covid-19 tại sân bay Soekarno-Hatta, TP Tangerang - Indonesia hôm 31-12-2020 Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vắc-xin Covid-19, gồm loại của công ty nội địa Bharat Biotech và loại của Trường ĐH Oxford (Anh) và AstraZeneca.
Một quan chức giấu tên của chính phủ Ấn Độ tiết lộ chương trình tiêm chủng diện rộng dự kiến được bắt đầu trong tuần này và họ hy vọng có thể tiêm phòng miễn phí cho 300 triệu trong tổng số 1,35 tỉ dân trong 6-8 tháng đầu năm 2021.
Reuters cho biết vắc-xin của Oxford-AstraZeneca sẽ đóng vai trò chủ đạo trong khi sản phẩm của Bharat Biotech sẽ được giám sát dưới các điều kiện nghiêm ngặt hơn do chưa có dữ liệu nào về tính hiệu quả của nó được công bố. Theo lãnh đạo Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ V.G. Somani, vắc-xin Oxford-AstraZeneca cho hiệu quả 70,42%, còn vắc-xin Covaxin của Bharat Biotech "an toàn và tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ".
Trong nỗ lực gia tăng mức độ hiệu quả cho vắc-xin, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) hôm 2-1 tuyên bố cơ quan này sẵn sàng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng mũi tiêm kết hợp giữa vắc-xin Sputnik V do Nga sản xuất và vắc-xin của Oxford-AstraZeneca tại Ukraine. "Chúng tôi sẵn sàng bàn giao toàn bộ công nghệ cho quá trình sản xuất vắc-xin Sputnik V tại Ukraine. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Ukraine ở mọi khía cạnh khả thi" - ông Dmitriev nói với đài Rossiya 1.
Bình luận (0)