Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (B.1.1.7) được phát hiện đầu tiên vào tháng 9-2020 ở hạt Kent rồi nhanh chóng lây lan sang thủ đô London và các vùng phía Đông, Đông Nam của nước Anh. Đợt bùng phát này đã dẫn đến việc đóng cửa gần như toàn bộ Vương quốc Anh thêm một lần nữa vào ngày Giáng sinh.
Ước tính có khoảng 2/3 số ca nhiễm được phát hiện ở các vùng này gây ra bởi biến thể mới trên. Ngoài Anh, biến thể B.1.1.7 hiện còn được tìm thấy ở một số nước khác tại châu Âu (Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp...) và lan sang các châu lục khác, như Mỹ, Canada, Nhật Bản...
Quá trình tự nhiên
Có đến 17 đột biến được tìm thấy trong biến thể mới này, phần lớn liên quan đến sự thay đổi 17 amino acid của các protein; trong đó có 8 đột biến liên quan đến phần protein gai mà virus dùng để bám vào màng tế bào ở mũi, họng và phổi của chúng ta.
Tuy nhiên, chỉ 3 trong số đó là đáng quan tâm nhất vì nó có ảnh hưởng lớn về mặt sinh học. Đột biến thứ nhất (69-70del) liên quan đến việc mất 2 amino acid ở vị trí 69 (histidine) và 70 (valine) ở phần protein gai làm tăng khả năng lây lan của virus. Đột biến thứ 2 (P681H) liên quan đến một trong 4 gốc bao gồm phần chèn để tạo ra vị trí phân cắt furin giữa S1 và S2 trong phần protein gai có ảnh hưởng quan trọng đến việc nhân bản và gây bệnh của virus. Đột biến thứ 3 (N501Y) xảy ra ở vị trí gai 501 giúp virus tăng cường khả năng bám dính với thụ thể, bước đầu tiên để virus xâm nhập vào cơ thể chúng ta.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm một nhà máy sẽ sản xuất vắc-xin Oxford - AstraZeneca ở Xứ Wales hồi cuối tháng 11-2020 Ảnh: AP
Trong số các vắc-xin được cơ quan có thẩm quyền tại một số nước cấp phép sử dụng, 2 loại của hãng Pfizer (Mỹ) - Công ty BioNTech (Đức) và Công ty Moderna (Mỹ) được phát triển dựa trên công nghệ mRNA hiện đại. Trong khi đó, vắc-xin của Trường ĐH Oxford (Anh) - Công ty AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) được phát triển dựa trên nền tảng của việc sản xuất vắc-xin truyền thống.
Các nhà khoa học ở Trường ĐH Oxford đã tinh chỉnh một loại virus gây bệnh cảm trên tinh tinh để nó không còn khả năng gây bệnh trên người, đồng thời thêm một gien từ virus SARS-CoV-2 để tạo ra protein gai, một đặc trưng của virus SARS-CoV-2. Khi tiêm vào cơ thể, mật mã thông tin này sẽ khiến cơ thể tạo ra protein gai, kích thích hệ miễn dịch của cơ thể người được tiêm vắc-xin tạo ra các phản ứng miễn dịch để chống lại virus SARS-CoV-2 thực thụ khi chúng tấn công vào cơ thể.
Con bài chủ lực
Thật ra, đột biến ở virus là một quá trình tự nhiên và tỉ lệ đột biến của virus RNA (như SARS-CoV-2) là khá cao. Virus SARS-CoV-2 có 1 đến 2 thay đổi trong hệ gien mỗi tháng. Biến thể B.1.1.7 mang 17 loại đột biến với khả năng lây lan cao hơn 70% so với các dòng khác trước đó.
Do đó, câu hỏi được đặt ra là: Ba loại vắc-xin hiện tại đều tập trung vào việc huấn luyện cơ thể tạo ra các phản ứng miễn dịch nhằm chống lại chủ yếu là phần protein gai để bám, liệu nó có hoạt động trên virus đột biến với các phần gai đã bị thay đổi?
Câu trả lời từ các nhà khoa học là có, cho đến thời điểm hiện tại. Lý do là vắc-xin giúp cơ thể phát triển hệ miễn dịch chống lại nhiều phần khác nhau của virus nên nếu phần gai có thay đổi không nhiều thì vắc-xin vẫn hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, khi virus bắt đầu có nhiều đột biến hơn nữa thì chúng ta bắt đầu lo lắng. Điều này cũng giống như ta phải tiêm vắc-xin cúm mùa mỗi năm vì virus cúm thay đổi liên tục nên vắc-xin cũng phải thay đổi theo. Hiện Pfizer cũng đang nghiên cứu vấn đề này.
Riêng ở Anh, 2 loại vắc-xin Covid-19 đang được chính thức sử dụng là của Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca. Chính phủ Anh rất hy vọng và xem vắc-xin Oxford-AstraZeneca là con bài chủ lực trong việc đánh lùi virus SARS-CoV-2 và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ chống dịch bệnh. Bắt đầu từ ngày 4-1-2021, nước này sẽ ưu tiên thực hiện tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca cho 9 nhóm người khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào độ tuổi.
Việc nghiên cứu thành công vắc-xin Oxford-AstraZeneca có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Thành tựu này không những giúp chính phủ Anh tự tin hơn trong việc chống dịch mà còn là niềm hy vọng rất lớn cho các nước thuộc nhóm trung bình và nghèo trên thế giới bởi giá rất rẻ của vắc-xin này, kèm theo việc vận chuyển và lưu trữ vắc-xin đơn giản hơn rất nhiều lần so với các nhóm vắc-xin khác.
Ví dụ, mỗi mũi vắc-xin Oxford-AstraZeneca có giá chưa đến 3 bảng (khoảng 95.000 đồng) và đòi hỏi nhiệt độ lưu trữ chỉ ở 2-8 độ C. Trong khi đó, giá mỗi liều của Pfizer-BioNTech và Moderna là 15 và 28 bảng, phải vận chuyển trong bình chứa đặc dụng và bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C (Moderna) hoặc -70 độ C (Pfizer).
Hơn thế nữa, vắc-xin Oxford-AstraZeneca được sản xuất và phân phối với mục tiêu phi lợi nhuận. Đây là điểm đáng giá nhất giúp tất cả các nước đều có thể tiếp cận được với vắc-xin mà không phải phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế.
Bình luận (0)